Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Thiết lập “vùng xanh” thông quan

Biên phòng - Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã bắt đầu tái diễn và có chiều hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chưa hoạt động.

Conainer chở hàng nằm chờ tại bãi xe Bảo Nguyên, gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tháng 2/2022. Ảnh: VnExpress.net

Theo ghi nhận mới nhất, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn rất căng thẳng. Đến hết ngày 28-2, tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ là Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, tổng lượng xe chờ xuất khẩu là 1.561 xe, trong đó, lượng xe chở hoa quả chiếm khoảng 65%. Trên địa bàn Lào Cai, số hàng lớn đang tập trung ở ga Lào Cai và cửa khẩu quốc tế Lào Cai khoảng hơn 1.000 xe. Cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, số phương tiện chờ còn khoảng 400-500 xe...

Theo Bộ Tư lệnh BĐBP, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới, nhưng trước Tết Nguyên đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau Tết Nguyên đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động.Tình trạng thông quan chậm do các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp, nhưng nguyên nhân chính là phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao virus SARS-CoV-2 trên bao bì nông sản, nên hiệu suất thông quan rất thấp, trung bình mỗi ngày chỉ giải phóng khoảng 90-100 xe xuất khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, lượng xe chở nông sản từ nội địa lên các cửa khẩu biên giới đang có xu hướng tăng nhanh sau Tết Nguyên đán, riêng địa bàn tỉnh Lạng Sơn có ngày có tới 200 xe mới được chở lên... Xe cũ chưa thông quan được, xe mới vẫn tiếp tục đưa hàng lên, khiến tình trạng ùn ứ nông sản đang bắt đầu gia tăng tại các cửa khẩu.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa.

Ở khu vực vùng đệm, các lực lượng Biên phòng, Công an điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân; đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động xuất khẩu...

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch rất nghiêm ngặt với chiến lược “Zero Covid”, nên nguy cơ ùn ứ hàng hóa, nông sản gia tăng và có thể trở nên nghiêm trọng khi nông sản vẫn ùn ùn lên biên giới.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới phía Bắc có kế hoạch đưa hàng lên cửa khẩu hợp lý, đồng thời xem xét lựa chọn các phương thức vận tải qua cảng biển, đường sắt nhằm giảm tải cho cửa khẩu đường bộ. Đặc biệt, các doanh nghiệp, thương nhân cần chú trọng thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, chuyển dần sang hình thức chính ngạch.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh BĐBP và các địa phương có cửa khẩu, trao đổi với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình “vùng xanh”, “luồng xanh” kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cửa khẩu (gồm cả lực lượng, trang thiết bị, phương thức hoạt động) nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa, đảm bảo kết quả an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa.

Để chủ động tầm soát, đảm bảo an toàn môi trường xuất nhập khẩu, thiết nghĩ các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản cần tăng cường công tác phòng chống dịch từ các khâu thu hoạch, bốc xếp, đóng gói hàng hóa; đảm bảo nông sản xuất khẩu đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO