Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Thiết lập niềm tin, tạo tiền đề cho hòa bình ở Đông Ukraine

Biên phòng - Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ Normandy” gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp vào đầu tuần qua, những tín hiệu về hòa bình cho miền Đông Ukraine đã hiện hữu, mà tuyên bố chung của hội nghị gọi là “kết quả rất tích cực”.

lvfg_11a
Từ trái qua phải: Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị. Ảnh: TASS

Tại hội nghị, 4 nhà lãnh đạo đã cùng thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và tái khẳng định cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện ở miền Đông Ukraine vào cuối năm 2019. Các bên cũng nhấn mạnh rằng, nguyện vọng chung của 4 nước đối với một cấu trúc bền vững và toàn diện về niềm tin và an ninh ở châu Âu, trong đó, việc giải quyết xung đột ở Ukraine là một trong những bước quan trọng.

Về vấn đề đảm bảo an ninh, các bên nhất trí thiết lập vùng an toàn và các điểm qua lại mới, cho phép người dân đi qua đường ranh giới kiểm soát chia tách Donetsk và Lugansk với phần còn lại của Ukraine, chủ yếu phục vụ mục đích nhân đạo. Đồng thời tiến hành rút các lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột ở miền Đông Ukraine vào hạn cuối là tháng 3-2020. Các nhà lãnh đạo cũng khuyến khích các bên tham gia xung đột tạo điều kiện cho việc trao trả tù nhân vào cuối năm nay, dựa trên nguyên tắc "tất cả đổi tất cả". Trong đó, Ukraine sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng như Luhansk ở Donbass. Bên cạnh đó, các bên ủng hộ việc tổ chức bầu cử tại vùng Donetsk và Lugansk.

Đánh giá về “kết quả rất tích cực”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng, cuộc gặp này sẽ khôi phục hòa bình và niềm tin. Đây là cuộc thảo luận được tổ chức nghiêm túc nhất trong 3 năm qua".Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, hội nghị thượng đỉnh này đã giúp vấn đề Donbass vượt qua giai đoạn trầm lặng.

Bày tỏ sự hài lòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả buổi thảo luận của các nhà lãnh đạo về việc giải quyết tình hình ở Ukraine là "rất hữu ích". Đồng thời khẳng định, Nga sẽ làm mọi thứ có thể để đóng góp vào nỗ lực chung này. Còn theo Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky: “Nhiều vấn đề đã được giải quyết, các nhà lãnh đạo đã yêu cầu đảm bảo thực hiện các thỏa thuận đạt được và đồng ý tổ chức cuộc họp khác vào 4 tháng tới về các điều kiện chính trị và an ninh ở miền Đông Ukraine...”.

Hội nghị lần này được xem là bước chuyển biến tích cực lớn, giảm nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cũng từ năm 2014, quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng giành độc lập ở miền Đông nước này đã xảy ra xung đột kéo dài khiến hơn 13.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, mọi căng thẳng đã dần được xoa dịu bởi nỗ lực của ông Zelensky khi ông trở thành Tổng thống vào tháng 4 vừa qua.

Nỗ lực của ông Zelensky kể từ khi nắm quyền đã tạo ra những bước tiến quan trọng, tạo nên Hội nghị Bộ tứ lần này. Trong nỗ lực đó, phải kể đến quá trình kêu gọi quân đội Ukraine và các lực lượng độc lập rút quân khỏi 3 “điểm nóng” tại phía Đông Ukraine. Quan hệ Nga - Ukraine cũng liên tục đạt được những bước tiến về bình thường hóa quan hệ, nổi bật là việc trao trả tù binh và tàu hải quân.

Theo giới chuyên gia quốc tế, Nga và Ukraine chính là những hạt nhân tạo nên bầu không khí dễ chịu trong lần gặp mặt này, trong đó, Đức và Pháp là đại diện cho vai trò quan trọng của châu Âu. Mặc dù đạt được những kết quả tốt đẹp, song, cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine vẫn chưa thực sự được giải quyết. Tuy nhiên, việc thiết lập niềm tin và tinh thần hòa khí là một thành công rất lớn, mở ra những triển vọng mới cho các cuộc đối thoại mang màu sắc lạc quan tới đây.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO