Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Thiệt hại do mưa lũ tăng lên

Biên phòng - Sáng 12-5, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lớn từ ngày 9 đến 11-5 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 2 người chết, 2 người bị thương, nhiều diện tích đất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quan Lạn, BĐBP Quảng Ninh giúp người dân di chuyển đồ đạc, tài sản tới nơi an toàn. Ảnh: Tấn Trường

Trong hai ngày qua, mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất đã xảy ra tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Tính đến sáng ngày 12-5, đợt thiên tai này đã làm 2 người chết gồm: Bà Triệu Thị Lan (sinh năm 1982, trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) do sạt lở đất vào nhà sáng ngày 10-5 và cháu Đinh Thành Nam (sinh năm 2017, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra còn 2 người dân khác ở tỉnh Bắc Kạn bị thương.

Mưa lớn dồn dập trong nhiều giờ làm 11 nhà bị đổ sập; 182 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; gần 2.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập; 3,7ha thủy sản bị thiệt hại.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều địa phương và các tuyến đường giao thông bị ngập úng cục bộ, trong đó có nơi bị ngập sâu tới 1m như một số khu dân cư của xã Hạ Long và thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Mưa lớn cũng gây sạt lở một số tuyến đường giao thông với khối lượng 1.523m3 đất đá.

Thống kê sơ bộ của các địa phương cho thấy có 1 ngầm tạm bị hư hỏng (Điện Biên); 2 đập tạm bị cuốn trôi (Bắc Kạn) và một số thiệt hại khác.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn cục bộ kèm theo lốc, sét còn kéo dài trong vài ngày tới nên các địa phương cần triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo từ ngày 11 đến ngày 16-5, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động (BĐ) 1, thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ thuộc khu vực Bắc bộ có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3. Đỉnh lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương và trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, ngày 11-5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã gửi công điện đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ theo dõi diễn biến mưa lũa, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Nhiều khu vực của tỉnh Lạng Sơn bị ngập úng cục bộ do mưa lớn ngày 10-5. Ảnh: Kim Nhượng

Rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục đường giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, gia cố, bảo vệ hồ ao thủy sản; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đối với các tỉnh, thành phố có đê cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đề điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Rà soát các công trình thi công dở dang trong phạm vi bảo vệ đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, đê điều khi xảy ra mưa lũ. Trường hợp xét thấy không đảm bảo an toàn phải tiến hành hoàn thiện ngay để đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO