Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Thiêng liêng và tự hào danh hiệu “chiến sĩ quân hàm xanh”

Biên phòng - Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình tượng người lính trong quá khứ hay anh bộ đội trong thời kỳ Hồ Chí Minh đã trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Họ chính là kết tinh của tinh thần dân tộc, của văn hóa truyền thống và lòng yêu nước, thương dân, ý chí quật cường chống lại giặc ngoại xâm và hi sinh xương máu để tô thắm trang sử vàng của dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng thực hiện nghi thức chào cột mốc biên giới trong quá trình tuần tra, bảo vệ biên giới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: CTV

Huyền thoại và lịch sử dân tộc đã kết tinh thành giá trị văn hóa với hình tượng của Thánh Gióng, Sơn Tinh, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Trần Quốc Toản... cùng bao chiến công vang dội trên biên ải, bảo vệ bờ cõi cương thổ quốc gia. Và hình tượng người chiến sĩ Biên phòng vững vàng nơi địa đầu phên dậu, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào các dân tộc trên biên giới chính là sự kế thừa truyền thống của cha ông trong quá trình xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Lịch sử kể rằng, khi chuẩn bị cho sự kiện ra mắt lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là BĐBP, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ là làm thế nào để quân hiệu, quân phục, lễ phục của lực lượng phải có nét riêng, trang nghiêm mà gần gũi, sát với tính chất nhiệm vụ của lực lượng. Sau khi bàn bạc, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương thống nhất sẽ lấy mẫu quân phục có sẵn của quân đội, bổ sung thêm một chiếc mũ bông ấm áp cho phù hợp với mùa Đông băng giá trên biên giới, mũ kê-pi dành cho lễ phục thì sáng tạo thêm một viền nỉ xanh chạy quanh vành mũ.

Về quân hiệu, anh em đề xuất sử dụng Công an hiệu của Công an Biên phòng, có cải tiến thêm một vành tròn xanh ở vòng ngoài Công an hiệu. Còn quân hàm, đồng chí Trần Đức, một chuyên viên quân nhu có kinh nghiệm nhiều năm cùng các họa sĩ chế tác ba bộ quân hàm khác nhau. Khi trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chỉ vào bộ quân hàm màu xanh lá, bảo đây là màu tượng trưng cho núi rừng, biển cả và đồng lúa xanh tươi mát, rất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng. Từ đó, hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đã đi vào thơ ca, nhạc họa... và trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương trong lòng nhân dân cả nước hơn nửa thế kỷ qua.

Nhưng nếu chuyện chỉ có thế, thì màu quân hàm ấy chỉ đẹp trong hình thức, trong mắt nhìn chứ chưa hẳn đã sáng lên trong tâm tưởng của triệu triệu người dân, khi mà nhắc đến danh hiệu “người lính quân hàm xanh”, nhân dân sẽ nghĩ ngay đến BĐBP chứ không phải lực lượng khác. Làm được điều ấy, không chỉ là sự hy sinh, đánh đổi xương máu, hạnh phúc riêng tư của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, mà còn là vẻ đẹp hào sảng, chí khí quật cường của đội quân bất khuất, kiên cường, luôn sẵn sàng “Bước tới muôn chân mây, súng chắc trong tay đây, bảo vệ giang sơn ngàn gấm vóc”, hay “Chiến sĩ nơi biên cương, sống chết cho quê hương” qua mọi thời kỳ cách mạng.

Từ nghị lực và tâm thế của mỗi chiến sĩ Biên phòng, phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” được truyền lại qua các thế hệ, bền bỉ chảy trong dòng cảm thức trách nhiệm với biên cương và đồng bào các dân tộc anh em. Phương châm ấy đã trở thành tài sản tinh thần của mỗi người lính quân hàm xanh, của toàn BĐBP, lặng lẽ mà ngọt lành như suối nguồn biên giới, để bồi đắp nên những giá trị nhân văn trong tâm hồn của biết bao người. Vì thế, nếu nói phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” là tài sản tinh thần vô giá của lực lượng thì danh hiệu “chiến sĩ quân hàm xanh” cũng mang một giá trị văn hóa phi vật thể, cần được phát huy lên tầm cao mới.

63 năm, màu quân hàm ấy đã cùng người chiến sĩ Biên phòng ngược lên biên giới, xuôi chiến trường miền Nam bắt gián điệp, biệt kích, trấn áp phản cách mạng, vững vàng giữ màu cờ giới tuyến, chiến đấu ngoan cường giải phóng quê hương khỏi gót giày Mỹ-ngụy, khiến kẻ thù khiếp sợ, nhân dân ngợi ca. Màu xanh ấy vào rừng tìm dân, lập bản, dựng đồn, lo cho dân hạt lúa, củ mì, xây dựng đời sống mới. Những chiếc quân hàm đã bao lần nhuộm máu của chính mình, của đồng đội và chỉ càng làm thắm hơn màu lá, hun đúc cao hơn ý chí quyết tâm của người lính. Dù thời chiến hay thời bình, trên biên giới xa xôi, những người lính ấy đã lấy Tổ quốc làm điểm tựa ngàn đời, những cột mốc sống canh giữ từng giây phút bình yên cho đất mẹ.

Hình ảnh người “thầy giáo quân hàm xanh” cõng chữ lên non, chở chữ ra đảo, nhận chăm sóc, đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã trở nên vô cùng thân thuộc với đồng bào cả nước. Bụi phấn bay có làm quân hàm bạc màu đi chăng nữa thì từ đó, những thế hệ trẻ có tri thức giàu tình yêu quê hương và ý thức đoàn kết để bảo vệ biên cương Tổ quốc đang ngày một nhiều hơn. Cùng với đó, hàng ngàn “thầy thuốc quân hàm xanh” đã tạo nên những ngọn hải đăng trên biên giới, thắp sáng không kể ngày đêm, lặng lẽ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc.

Hay những kỹ sư nông, lâm nghiệp quân hàm xanh, cán bộ tăng cường xã quân hàm xanh một đôi vai gánh hai trọng trách, quân phục xanh, quân hàm xanh lúc nào cũng lấm đỏ đất đồi vì sự no ấm của nhân dân, sự giàu mạnh của biên cương. Ngay cả những người lính trinh sát đặc nhiệm quân hàm xanh cũng là nỗi ám ảnh, là khắc tinh đối với những kẻ gieo rắc bất ổn và nguy cơ cho đồng bào biên giới. Trong đại dịch, màu quân hàm ấy, danh hiệu ấy lại sáng lấp lánh như sao trên núi, là điểm tựa cho đồng bào vượt qua nguy nan. Những chốt trực 24/24 giờ sáng đèn, những bước chân tuần tra 24/24 giờ thường trực là tín hiệu báo bình yên, để đại dịch không lây lan vào nước ta từ biên giới.

“Phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Tất cả vì bình yên cho biên cương Tổ quốc” - với những chiến sĩ quân hàm xanh, đó là mệnh lệnh của trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng và văn hóa Biên phòng! Thiêng liêng và biết mấy tự hào danh hiệu “chiến sĩ quân hàm xanh”. Bởi, đó là danh hiệu, danh xưng mà nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc trên biên giới nói riêng tôn vinh; là giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền với truyền thống, chiến công của BĐBP anh hùng trong chiến đấu, đảm lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mùa xuân thứ 63 đang đến với biết bao tự hào về lịch sử truyền thống vẻ cùng những thành tích đầy tự hào đã đạt được trong hai năm căng mình cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Màu xanh của biển, của rừng, của bầu trời biên giới hòa bình, ổn định và phát triển mà Bác Hồ đã chọn từ ngày đầu thành lập lực lượng đã và sẽ luôn trên vai chúng tôi vượt đèo dốc, vượt mưa quăng bão giật, vượt nòng súng rập rình để tiến về phía trước. Giản dị, bé xinh như chiếc lá, cao cả và nặng nề như sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhưng màu quân hàm ấy, danh hiệu ấy chính là kết tinh của sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, thống nhất toàn lực lượng một ý chí, là sự gắn kết thủy chung, bền chặt của tình quân dân nơi biên giới, là niềm tin và tình thương yêu của toàn Đảng, toàn dân gửi gắm nơi địa đầu phên dậu.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO