Biên phòng - Nhảy múa với Ma Cỏ (Ghà Lu Ngang) là màn múa đỉnh cao của sự hòa hợp giữa con người và đấng thần linh trong Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô. Đây là một nghi lễ độc đáo, đầy tính nhân văn trong các phong tục cổ truyền của dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) còn được bảo tồn, duy trì đến ngày nay.
Dân tộc Lô Lô là một trong 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô đa số cư trú dưới chân ngọn núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, mộc mạc, gần cột cờ Lũng Cú, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống của người Lô Lô nói riêng và của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói chung.
Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô thường tổ chức hằng năm vào ngày 14-7 âm lịch. Đây là nghi lễ cổ truyền có từ lâu đời của người Lô Lô. Theo lệ thường, mỗi gia đình người Lô Lô đều có bàn thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên chung của dòng họ chỉ được tổ chức tại gia đình trưởng họ. Trưởng họ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô được mở đầu với lễ hiến tế tổ tiên. Lễ vật gồm một con gà, ba chén rượu, xôi, hoa tươi... Trước khi vào lễ chính, trưởng họ mời thầy cúng tiến hành lễ trình tổ tiên với nghi lễ “chắp cánh” (cắt tiết gà). Trong nghi lễ cúng của người Lô Lô không thể thiếu nghi thức này. Thầy cúng thực hiện lễ cắt tiết gà ngay trước bàn cúng rồi bày lên bàn để làm lễ vật trước mọi con mắt quan sát của các thành viên trong dòng tộc. Người trưởng họ sẽ rót rượu mời để cảm ơn thầy cúng đã không quản ngại đường sá xa xôi đến giúp gia đình.
Sau khi uống hết chén rượu mời của gia chủ, thầy cúng làm thủ tục cúng, mời tổ tiên gia chủ về dự lễ, hưởng lễ vật do con cháu dâng lên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, hạnh phúc, học hành giỏi giang, thóc đầy bồ, trâu bò, lợn gà đầy chuồng, mọi việc thuận lợi... Trong khi đó, gà sẽ được đưa đi làm thịt để dâng lên tổ tiên, lợn được đưa ra sân để hiến tế.
Khi lời thầy cúng dứt, bài cúng kết thúc, thì nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Tiếng trống đồng vang lên, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống nhảy múa rộn ràng.
Sau khi màn múa nghi lễ của các cô gái kết thúc, gia chủ liền chuẩn bị lễ vật cúng lần hai - lễ tưởng nhớ tổ tiên. Lễ vật là con lợn, xôi, rượu, vàng hương... Trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng, thầy cúng làm thủ tục cúng mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc. Người trưởng họ rót rượu để cảm ơn thầy cúng đã không quản ngại đường sá xa xôi đến giúp gia đình.
Kết thúc bài cúng là sự xuất hiện của các Ma Cỏ nhảy múa rộn ràng theo tiếng trống đồng cùng các cô gái trong trang phục truyền thống sặc sỡ. Sở dĩ trong nghi lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô bắt buộc phải có người hóa trang thành Ma Cỏ để “nhảy lễ” là xuất phát từ quan niệm: Ma Cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, cho nên muốn mời tổ tiên về thì phải có Ma Cỏ để dẫn đường về nhà làm lễ. Vì vậy, Ma Cỏ là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên
Đoàn người nhảy với Ma Cỏ liên tục cho đến khi kết thúc lễ cúng với các điệu múa diễn tả sinh động cuộc sống của người Lô Lô xưa. Thầy cúng Vương Việt Dũng cho biết: “Để múa được bài múa này phải là những người có sức khỏe tốt và lòng nhiệt tình mà họ có thể nhảy múa rất lâu, không biết mệt”.
Nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên kết thúc cũng là lúc xế chiều. Trưởng họ soạn lễ chuẩn bị cho lễ cúng lần ba - lễ tiễn đưa tổ tiên. Trong lễ tiễn đưa tổ tiên, thịt bò sống được thái thành 8 miếng dài cùng xôi, tiền vàng, rượu làm đồ lễ chính. Thầy cúng làm thủ tục trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng. Thầy cúng sẽ thưa với tổ tiên về việc con cháu dâng lễ vật lên tổ tiên để tiễn đưa tổ tiên về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian.
Trong khi thầy cúng làm lễ, những người có mặt tại lễ đều hòa cùng đoàn múa nghi lễ, nhảy múa theo nhịp trống đồng. Họ mời nhau chén rượu chúc mừng gia chủ, dòng họ làm lễ thành công. Gia chủ và mọi người trong dòng họ dâng lễ lên thầy cúng và nghệ nhân đánh trống để cảm ơn đã đến giúp đỡ gia đình làm lễ cúng tổ tiên với niềm tin thiêng liêng rằng: Tổ tiên đã biết tấm lòng của con cháu và sẽ luôn phù hộ cho con cháu, gia đình, dòng họ.
Kết thúc lễ cúng, những lễ vật dâng lên tổ tiên lúc này sẽ được chia đều cho mọi người đến dự lễ và chia vui cùng gia chủ.
Thanh Thuận