Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 07:46 GMT+7

“Thiên thời, địa lợi” cho các hiệp ước tầm nhìn xa?

Biên phòng - Trong bối cảnh thế giới đầy biến động với đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ phát triển không gian mạng đầy rẫy nguy cơ xấu, nhiều học giả và các chính trị gia thế giới cho rằng, đã đến lúc phải có những hiệp ước quốc tế để ngăn chặn, giải quyết và phòng ngừa những thách thức đối với nhân loại.

Thế giới đang đối diện với nhiều thách thức chung đòi hỏi các giải pháp đa phương nhưng thiếu ý chí chính trị và lòng tin cần thiết để đạt được tiến bộ đang là vấn đề nhức nhối của nhân loại. Ảnh: ONEWORLD.PRESS

Những ngày cuối tháng trước, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những lời kêu gọi thiết lập hiệp định quốc tế về an ninh mạng toàn cầu và hiệp định về đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, cả hai hiệp định quốc tế này đều nhấn mạnh tới yếu tố ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm thiết lập một cơ chế hiệu quả, thực chất, ứng phó hiệu quả với các thách thức chung.

Trong vấn đề về an ninh mạng, trước Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, không gian kỹ thuật số toàn cầu đang là nền tảng cho sự đối đầu gay gắt trong lĩnh vực thông tin để cạnh tranh không lành mạnh và các cuộc tấn công mạng. Vì vậy, cộng đồng quốc tế nên cùng nhau thực hiện một hiệp ước chính thức để cấm các hành động thù địch tiềm ẩn, duy trì hòa bình trên không gian mạng. Các điều ước pháp lý quốc tế phổ quát sẽ giúp ngăn ngừa xung đột và xây dựng quan hệ đối tác cùng có lợi trong không gian thông tin toàn cầu, vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu các giải pháp tiên tiến ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn.

Giới chuyên gia công nghệ quốc tế cho rằng, tấn công mạng đang manh nha trở thành xu hướng tất yếu. Ở một góc độ nào đó, xu hướng này được nhìn nhận như một thể thức khủng bố, thậm chí có thể trở thành chiến tranh kiểu mới. Trong khi ở ngoài đời thật đều có hệ thống pháp luật, lực lượng an ninh chính quy, quy chế phối hợp quốc tế,... để ngăn chặn các hành vi tấn công quốc tế, còn trên không gian mạng hầu như chưa có biện pháp đủ mạnh. Vì vậy, hiệp ước quốc tế về an ninh mạng dù đang chậm trễ hơn so với sức phát triển của không gian mạng, song, muộn còn hơn không. Nguy cơ mất an ninh trên môi trường mạng đã rất rõ ràng và việc đưa ra những hiệp ước thiết lập trật tự, an ninh mạng cũng sẽ là đòi hòi cấp thiết của thời đại.

Về đại dịch Covid-19, 27 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thành lập một hiệp ước ràng buộc pháp lý để thế giới chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. Hiệp ước dự kiến này cho phép các quốc gia chia sẻ công bằng chuyên môn, thiết bị và kiến thức trong việc kiểm soát và dập dịch. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh sự cấp thiết phải đoàn kết trong việc chuẩn bị tốt hơn để dự đoán, ngăn chặn, phát hiện, đánh giá và ứng phó hiệu quả với các đại dịch theo một phương thức phối hợp chặt chẽ.

Giới chuyên gia y tế quốc tế đánh giá, hiệp ước này sẽ là “liều thuốc giải độc” cho nhân loại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các đại dịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Nhất là hiện nay có những vấn đề nổi cộm như đã có vaccine ngừa Covid-19, song, các cường quốc thế giới đang mua phần lớn kho dự trữ hoặc hạn chế xuất khẩu vaccine sang các nước khác; nhiều quốc gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ sản xuất vắc xin quan trọng này, khiến cho việc phát triển vaccine trở nên chậm chạp, chưa thể hiện sự đoàn kết thực chất của nhân loại;...

Nhiều học giả quốc tế cho rằng, trước những thách thức mới mang tính thời đại, thiết lập 2 hiệp ước nêu trên chắc chắn là những công cụ cần thiết. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, hiệu lực thực chất của công cụ này phải xác định rõ là phản ứng thống nhất và công bằng của các quốc gia thay vì chỉ là “sợi dây trói” ràng buộc lẫn nhau mà không cùng chung ý chí.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, giới chuyên gia dẫn giải, quốc tế thời kỳ đó đã không cần một hiệp ước nào để ổn định nền kinh tế, thay vào đó là sự phối hợp nhịp nhàng, cùng chung ý chí, đoàn kết đưa nhau thoát khỏi cuộc khủng hoảng lịch sử. Vì lẽ đó, bối cảnh hiện nay cho thấy “thiên thời, địa lợi” cho các hiệp ước quốc tế này, song để có hiệu lực thực chất còn cần yếu tố “nhân hòa”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO