Biên phòng - Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) đã gây ra nhiều thiệt hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ngoài ra, với diễn biến bất thường, phức tạp của khí hậu, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng gánh chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Trong những ngày đầu tháng 8, việc ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra tình trạng sạt lở, lũ quét ở nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Tại tỉnh Thanh Hóa, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mưa lũ đã khiến 59 ngôi nhà ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị hư hỏng hoàn toàn, 65 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 907 nhà bị ngập, 16 hộ phải di dời khẩn cấp và 1.154 hộ phải sơ tán. Giao thông trên các tuyến quốc lộ 15, 15C, 217 qua các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước... bị sạt lở 92 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 31.000m3 và 15 điểm bị ngập.
Mưa lũ đã làm 5 người chết (Mường Lát 2 người, Quan Sơn 3 người); 10 người mất tích (Mường Lát 1 người, Quan Sơn 9 người) và 5 người bị thương. Ngoài ra, có 14 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả... bị cuốn trôi. Mưa lũ gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng gần 300 tỷ đồng.
Tại Sơn La, mưa to gây lũ, sạt lở, ngập úng tại nhiều địa phương, đặc biệt tại 3 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, làm 1 người chết, có 190 nhà bị ảnh hưởng, 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 52 nhà bị sạt lở (35 nhà phải di dời khẩn cấp), 17 nhà bị tốc mái, 120 nhà bị ngập nước, 2 điểm trường bị ngập, nhiều công trình giao thông bị phá hủy, ước tổng thiệt hại hơn 28 tỷ đồng. Mưa lũ được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, cùng với triển khai công tác khắc phục, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương của tỉnh Sơn La vẫn đang tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại.
Còn tại tỉnh Điện Biên, mưa lũ những ngày qua cũng đã làm nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Điện Biên Đông bị sạt lở, ách tắc cục bộ. Tính riêng thiệt hại về giao thông khoảng hơn 7,5 tỷ đồng; thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, thủy sản ước tính hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt, lũ lớn tràn qua bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng đã cuốn trôi 2 cháu nhỏ, trong đó, làm chết 1 cháu và 1 cháu vẫn đang mất tích.
Những ngày qua, mưa to do ảnh hưởng của bão số 3 và nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Nậm Nơn dâng cao đã gây sạt lở, ngập lụt làm chia cắt giao thông liên bản tại địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Mực nước sông tăng nhanh đã làm trôi 3 chiếc xuồng của dân, 3 máy múc công trình đang thi công, gây sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 20 ngôi nhà dân. Tại bản Xằng Trên và Hoa Lý, nhiều ngôi nhà của người dân đã bị sạt lở, phải di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng...
Do sự biến đổi khí hậu thất thường, trong những ngày qua, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng lớn về thiên tai. Mưa lớn, kèm theo lốc xoáy làm hư hại nhiều căn nhà, lúa và hoa màu khiến người dân thiệt hại nặng nề. Tại Kiên Giang, mưa lớn, nước dâng cao, kèm theo gió lốc đã làm sập hoàn toàn và hư hại hơn 30 căn nhà của bà con địa phương. Trụ sở Trạm kiểm soát Biên phòng Kim Quy, BĐBP Kiên Giang cũng bị hư hỏng nặng. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kéo dài, nước biển đột ngột dâng cao hơn 1,8m tại khu vực nói trên. Nước dâng vào buổi chiều, lại lên quá nhanh nên bà con không kịp di dời tài sản. Kèm theo đó là những cơn lốc, sóng cao đã nhấn chìm hoàn toàn nhiều tài sản, vật dụng và làm sập khoảng 10 căn nhà; khoảng 20 nhà nằm phía trong bị tốc mái hoặc sập 1 phần.
Tại sông Ông Chưởng chạy qua ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xuất hiện vết nứt dài 150m, ăn sâu vào đất liền hơn 10m đe dọa sạt lở tuyến tỉnh lộ 946 huyết mạch đoạn từ Km 17+210 đến Km 17+350. Tại tỉnh Sóc Trăng, tính từ ngày 31-7 đến 5-8, mưa to, lốc xoáy đã khiến 360 căn nhà bị thiệt hại. Trong đó, có 79 nhà bị sập hoàn toàn, 272 nhà bị tốc mái, 9 nhà bị sạt trôi xuống sông. Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 40km.
Ở Cà Mau, thủy triều dâng cao bất thường kết hợp mưa dông, gió giật mạnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn các huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trước tình hình đó, lực lượng BĐBP, Công an, Quân sự được huy động phối hợp với chính quyền các địa phương nhanh chóng hỗ trợ giúp dân di dời người già, trẻ em, tài sản vào nơi có vị trí cao; những hộ dân có nhà tranh được ở nhờ các hộ có nhà xây bằng tường kiên cố. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã khẩn trương khắc phục trên 300m đê bị sạt lở do ảnh hưởng của đợt triều cường, nước dâng cao bất thường kết hợp mưa dông.
Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, lực lượng BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đang ngày đêm bám trụ địa bàn, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tại các địa bàn trọng điểm, các đơn vị duy trì trực 100% quân số sẵn sàng thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân trên các địa bàn xây dựng, triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ quét, sạt lở đất để sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Quang Long