Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc

Biên phòng - Để chia sẻ thông tin về những quy định trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là quy định mới về an toàn thực phẩm (Lệnh 249) và đăng kí doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 248), sáng 6-11, Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn về nội dung này.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Thanh Hà

Lệnh 249 và 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Tại diễn đàn, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói.

Ông Đạt cũng nêu những quy định chung của phía Trung Quốc và các thay đổi của thị trường này trong thời gian vừa qua. Cụ thể, phía Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch, cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm.

Ngoài ra, phía Trung Quốc đang quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đáng chú ý, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc đưa ra có 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. “Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu”- ông Đạt nhấn mạnh.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, quy trình kiểm tra nông sản xuất khẩu sang nước bạn cần một số bước chính như: Đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo biểu mẫu, thông tin cụ thể về cửa khẩu nhập khẩu nông sản, quy cách đóng gói bao bì…

Theo ông Nam, để xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy trình kiểm soát, và những tiêu chuẩn để mở cửa thị trường, cũng như các thông báo SPS. “Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của WTO, và các Hiệp định song phương với Trung Quốc, nhằm đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường này.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không chịu áp dụng này.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, hiện nay có nhiều hoa quả, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và được thị trường nước này ưa chuộng.

Do tình hình Covid-19, doanh nghiệp cả Trung Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nông sản khi thông quan phải khử trùng ở cả 2 phía nên tốc độ xuất khẩu giảm mạnh so với trước.

Thêm vào đó, hoa quả Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc đang phải kiểm tra 100%, điều này khác với hoa quả nhập từ Thái Lan, nguồn hàng này chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.

Ông Vỹ hy vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để có thể chỉ kiểm tra 30%, đẩy nhanh tốc độ thông quan qua cửa khẩu, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc”.

Đại diện Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường cũng nhấn mạnh mong các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói, giúp quá trình thông thương, buôn bán giữa 2 bên.

Là địa phương có mặt hàng thành long xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, chia sẻ, sản lượng trái thanh long của Bình Thuận khoảng 600-700 nghìn tấn/năm, trong đó, khoảng 70-80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là điều thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mới xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vẫn còn lúng túng với các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 248. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các thủ tục theo quy định của 2 Lệnh này cũng còn lúng túng. Do đó, ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra văn bản hoặc hướng dẫn kỹ hơn để các địa phương, doanh nghiệp và HTX… triển khai thuận lợi.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO