Biên phòng - Các doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh phía Nam tiếp tục tìm kiếm nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết và khôi phục thị trường lao động sau mùa dịch bệnh.
Nhiều tín hiệu tích cực
Vừa tìm được việc làm tại một công ty nước ngoài, chị Nguyễn Thu Dịu, ngụ ở thành phố (TP) Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, sau Tết Nguyên đán, chị đã xin nghỉ làm tại công ty cũ, do công ty hơn 3 năm chưa tăng lương cho nhân viên. Sau khi nghỉ việc, chị Dịu nghĩ mình sẽ khó tìm việc trong mùa dịch, tuy nhiên, vừa đăng thông tin tìm việc, chị đã được khá nhiều công ty gọi điện thoại đi phỏng vấn. Sau khi đi phỏng vấn tại 3 công ty, chị đã chọn một công ty trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với mức lương 15 triệu động/tháng cho vị trí kế toán. “Sở dĩ, tôi chọn công ty này là do công ty ngoài tiền lương chính, còn hỗ trợ tiền xăng xe, tiền ăn trưa, điện thoại... cho người lao động” - chị Dịu chia sẻ.
Ngay sau Tết Nguyên đán, rất nhiều trường đại học và trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh phía Nam đã tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên, người lao động. Đơn cử như ngày 2-4, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức “Ngày hội việc làm 2022”. Chương trình có sự tham gia của 71 DN, hơn 2.500 đầu việc với đa dạng các ngành nghề dành cho sinh viên, thông qua các hình thức phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến. Nhiều hoạt động diễn ra tại chương trình như: Tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp giữa DN và sinh viên; tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên có nhu cầu làm việc ở nước ngoài.
Còn theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, từ đầu quý IV-2021, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng có dấu hiệu phục hồi, tập trung ở các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải... Qua khảo sát, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%. Bất chấp khó khăn, nhiều DN đã đưa ra chế độ đãi ngộ khá tốt để thu hút nguồn lực chất lượng.
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển nhiều công nhân hệ vừa học, vừa làm. Nghĩa là tuyển những công nhân mới vào làm sẽ được bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để rèn giũa kỹ năng cho đến khi thành thạo công việc. “Người lao động đến với công ty sẽ được đào tạo miễn phí, nhận mức thu nhập thỏa đáng, chưa kể các khoản thưởng khác. Ngoài ra, họ còn được hưởng đầy đủ các loại bảo hiểm theo pháp luật lao động. Với những chính sách như vậy, mục tiêu chúng tôi hướng đến là việc làm, phúc lợi bền vững cho người lao động trong mùa dịch bệnh” - bà Oanh khẳng định.
Kết nối người lao động và nhà tuyển dụng
Trong nỗ lực kết nối thị trường việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phía Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người lao động, nhất là người lao động mất việc do dịch Covid-19, sớm có việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, để kết nối cho người lao động thất nghiệp, trung tâm đã liên kết, cung cấp thông tin tuyển dụng của các DN tại tỉnh Bình Dương với các tỉnh có lực lượng lao động cần việc như khu vực Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ song song với sàn giao dịch việc làm online nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn lao động. Đây là cơ hội miễn phí để các DN đưa thông tin tuyển dụng đến với những tỉnh lân cận và có mong muốn tuyển lao động khu vực miền Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Tương tự, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai các giải pháp tăng cường thông tin về thị trường lao động và hoạt động tư vấn để nâng cao cơ hội việc làm cho người lao động. Trung tâm sẽ thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của DN cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung và cầu. Từ đó, trung tâm kết nối với nhà tuyển dụng bằng nhiều hình thức; đồng thời, tăng cường đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp để họ sớm quay lại thị trường lao động, có việc làm ổn định.
Là địa phương có lượng lao động lớn nhất cả nước, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, Sở dự báo giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó, có 140.000 việc làm mới, đào tạo nghề cho 371.000 lao động. Để hỗ trợ cho DN, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở cũng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ cho lao động thất nghiệp như học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tăng cường các sàn giao dịch việc làm giúp người lao động tìm được việc làm mới phù hợp.
“Trọng tâm hoạt động của ngành năm 2022 là tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh cho trường hợp yếu thế, người khó khăn sau đại dịch như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do Covid-19, hỗ trợ nhà ở xã hội, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho công nhân, người lao động, người mắc Covid-19... Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh về chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa người lao động và DN; tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, chú trọng hướng nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của DN và thị trường lao động” - ông Lê Minh Tấn chia sẻ.
Nguyễn Hoàng