Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 10:08 GMT+7

Thị trường lao động “ấm dần” sau đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam

Biên phòng - Sau hơn 4 tháng thị trường lao động trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì từ đầu tháng 10 đến nay, các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng cường tuyển dụng hàng ngàn lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa dip cuối năm. Chính điều này đã khiến thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam đang “ấm dần” lên sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua.

Các doanh nghiệp cần nhiều lao động để khôi phục sản xuất vào dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Vẫn khó tuyển lao động

Hiện nay thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam đang có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng dồn dập qua các trung tâm giới thiệu việc làm và trên các tin điện tử của doanh nghiệp. Cụ thể như tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh, công ty Cholimex đang cần tuyển dụng 1.000 công nhân chế biến thực phẩm với mức lương từ 6-11 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều phúc lợi về cơm trưa, thưởng năng suất chuyên cần, trợ cấp nuôi con nhỏ, du lịch nghỉ mát…

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử cũng có nhu cầu tuyển từ 200 - 1.500 lao động phổ thông. Cụ thể, công ty Freetrend Industrial VN cần tuyển 1.500 người, công ty Yujin Vina cần tuyển 1.000 người, công ty Nidec Tosok Việt Nam, công ty Nobland Việt Nam đều cần tuyển 700 lao động… khi kinh tế hồi phục và doanh nghiệp hoàn thiện các đơn hàng cuối năm.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự báo quý IV, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 56.869 chỗ làm việc cho người lao động. Các doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng số lượng hàng ngàn lao động, với mức lương từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Xu hướng tuyển dụng lao động tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; công nghệ lương thực - thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng…

“Trong những tháng cuối năm, ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, doanh nghiệp cũng có nhu cầu một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, bán lẻ trong dịp Tết. Tuy nhiên, dù rao tuyển nhiều trên các trang thông tin tuyển dụng và qua các kênh trực tuyến… doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động”, đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, nhiều công ty cũng đang rao tuyển hàng nàn lao động cho hoạt động sản xuất cuối năm, ví dụ như công ty cổ phần Taewkang Vina Industrial, TP Biên Hòa, Đồng Nai công ty có khoảng 38.000 lao động và có tới 80% lao động trở lại làm việc. Số còn lại đang ở các tỉnh chưa thể quay trở lại làm việc hoặc nằm trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa. Hiện, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 3.000 lao động phổ thông để đáp ứng yêu cầu sản xuất từ nay đến cuối năm.

Theo đó, người lao động mới tuyển dụng vào sẽ được trả lương cố định, hỗ trợ tiền thuê trọ và các khoản phụ cấp khác. Ngoài ra, công ty cũng ưu tiên nhận lao động cũ đã nghỉ việc tại công ty trước đây nhưng doanh nghiệp này, việc tuyển dụng lao động lúc này không hề dễ dàng vì người lao động đã về quê và không muốn quay trở lại TP làm việc.

Kết nối lao động với doanh nghiệp

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường lao động của TP từ nay đến cuối năm dự báo ổn định, không thiếu nhiều lao động do 96% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm cũng là dịp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất để hoàn thành các đơn hàng và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán. Do đó, xu hướng tuyển dụng phổ thông làm việc toàn thời gian cũng gia tăng đáng kể để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Theo đó, nhu cầu tuyển nhiều lao động sẽ tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh-thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí. tự động hoá; vận tải, kho bãi,dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng du lịch, nhà hàng, khách sạn; kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng…

“Ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, nhiều doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn lao động bán thời gian phục vụ các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong dịp lễ, Tết. Trong đó, nhu cầu lao động đã qua đào tạo chiếm 87% tổng cầu nhu cầu tuyển dụng; ở trình độ đại học trở lên chiếm 21%; cao đẳng chiếm 20%; trung cấp chiếm 26 %; sơ cấp chiếm 20%. Vì vậy, dịp cuối năm cũng là cơ hội lớn cho các lao động đã qua đào tạo tìm được việc làm phù hợp sau mùa dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.

Trong khi đó, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay để kết nối việc làm và cung ứng nguồn lực nhanh cho các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi 15 ngày một lần, trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối nhà tuyển dụng và người lao động. Trên trang của trung tâm cũng cập nhật hàng ngày thông tin của người tìm việc và việc tìm người để doanh nghiệp dễ dàng tìm thấy người lao động phù hợp.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ kết nối việc làm, trung tâm tổ chức kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên tìm việc trên Zalo; chỉ cần quét mã QR là người tìm việc và doanh nghiệp cần tuyển người sẽ nắm bắt được thông tin, nhu cầu của nhau.

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo thị trường lao động dịp cuối năm sẽ có chuyển biến và gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua đào tạo. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ dần dần mất lợi thế cạnh tranh. Một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị đào thải, thay thế bởi người có kỹ năng và thái độ làm việc tốt.

Vì vậy, người lao động trong tất cả ngành nghề cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp đúng đắn. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh lao động qua đào tạo. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thông tin và nâng chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo… giúp người lao động tiếp cận việc làm phù hợp.

Đến nay, Ban Chỉ huy và các trạm của Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, BĐBP TP Hồ Chí Minh rất tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, đơn vị đã trích quỹ vốn và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 2 tấn gạo, trên 10 tấn rau, củ, quả, 600 thùng mì, 100 kg đường, 300 bộ đồ bảo hộ, 400 phần quà… để chăm lo cho các hộ dân, người lao động thất nghiệp bị phong tỏa, cách ly và lực lượng phòng chống dịch trên địa bàn cửa khẩu cảng.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO