Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Thi đua yêu nước tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Biên phòng - Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy có hơn 200 bài nói, bài viết, đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Đặc biệt, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động Cuộc vận động thi đua ái quốc. 7 thập kỷ qua, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn.

z5g7_5a
BĐBP Quảng Bình giúp dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: H.A

Ngay trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu nước tạo nên sức mạnh, là nguồn nội lực lớn nhất để dân tộc vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn của cuộc đấu tranh và trong xây dựng, phát triển đất nước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng mà có thể phân biệt được qua những việc làm cụ thể hằng ngày trên cương vị công tác của mỗi người.

Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận một cách khoa học: Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua yêu nước. Mối quan hệ giữa công việc hằng ngày với thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành lý luận: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó khăn đến mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được...”. Xuất phát từ quan điểm công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, sĩ nông, công thương, già, trẻ, trai, gái, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì đều có thể và cần phải tham gia phong trào yêu nước.

 Tính cách mạng và khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh được  thể hiện rất rõ qua những quan điểm về thi đua yêu nước của Người. Để có một phong trào thi đua được tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia, vấn đề hàng đầu đặt ra là phải tìm được điểm tương đồng, vừa đáp ứng lợi ích đa dạng, nhiều mặt của mỗi thành viên, vừa bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc. Lòng yêu nước chính là điểm chung nhất đó. Khi phát động phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng lợi ích của đất nước, lợi ích ở tầm vĩ mô, mà còn kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân, tập thể và Tổ quốc. Người viết: “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững... Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm... Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.

Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm” và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”...

 Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta có các phong trào thi đua lớn như: "Hũ gạo kháng chiến", "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tuổi nhỏ chí lớn", "Dạy tốt, học tốt"... Các phong trào thi đua này tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau Đại hội VIII của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường  Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... Phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế...

Nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng  luôn có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã phối hợp giới thiệu cho các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền 483 tập thể, cá nhân tiêu biểu của 71 bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương đã tăng thời lượng, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục giới thiệu gương “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến.

Để thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc-Ngày Truyền thống thi đua yêu nước, trước hết, mỗi tập thể, cá nhân, tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân.

Nguyễn Văn Thanh

Bình luận

ZALO