Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Thi đua là yêu nước

Biên phòng - Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong suốt 72 năm qua, các phong trào thi đua trong cả nước đã phát triển sâu rộng với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. 

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là sự kiện chính trị quan trọng, nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước; là nơi giao lưu, chia sẻ những cách làm hay, những mô hình mới, nhằm tạo sự lan tỏa ý nghĩa nhân văn, truyền thống đạo đức quý báu của đất nước và con người Việt Nam trong xã hội.

Hơn 2.000 gương điển hình tiên tiến được tôn vinh trong kỳ đại hội này là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác; là những lá cờ đầu, nhân tố nổi trội có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, đại hội vinh danh những tấm gương dũng cảm, hi sinh quên mình trong việc cứu giúp người qua những cơn bão lũ, đại dịch Covid-19, trong đấu tranh bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân và những cống hiến cao cả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Tiêu biểu là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 về đích trước gần 2 năm. Cả nước có 5.358 xã (60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (24,4%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)...

Bên cạnh đó, các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành, đoàn thể phát động, triển khai đã có bước phát triển mới, với nhiều cách làm sáng tạo, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trên 90% gia đình trên toàn quốc tham gia, hơn 16 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 70% thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; phong trào “Thi đua Quyết thắng”,“Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”... và các hoạt động nhân ái, từ thiện phát triển mạnh mẽ và trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân.

Có thể khẳng định, hoạt động thi đua yêu nước ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thành tựu 35 năm đổi mới, tô thắm thêm truyền thống yêu nước.

Để thi đua thực sự là động lực phát triển, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua trong giai đoạn 2020-2025 cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và tạo không khí phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO