Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Trường Trung cấp 24 Biên phòng:

Thi đua “Đào tạo, huấn luyện giỏi, chăn nuôi tốt, sẵn sàng chiến đấu cao”

Biên phòng - Ngày 15-12-1959, lớp đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên của Việt Nam được khai mạc đã đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) và ngày 15-12 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Hơn 60 năm qua, nhà trường không ngừng đổi mới toàn diện và mở rộng quy mô huấn luyện - đào tạo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nhà trường có sự phát triển; mục tiêu, yêu cầu đào tạo đòi hỏi ngày càng cao.

Trường Trung cấp 24 Biên phòng tổ chức thi tốt nghiệp cho các học viên. Ảnh: Khuất Huy

Từ một chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu, đến nay đã phát triển thêm các chuyên ngành huấn luyện: Phát hiện ma túy, tìm kiếm cứu nạn, phát hiện chất nổ và giám biệt hỗ trợ điều tra hình sự… Bên cạnh đó, nhà trường mở nhiều lớp bổ túc, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện viên, chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ tại các đơn vị BĐBP và trong toàn quân, nhiều khóa đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, Tổng cục Hải quan.

Với quyết tâm khắc phục dứt điểm những hạn chế, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác giáo dục và đào tạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó xác định tập trung thi đua “Đào tạo, huấn luyện giỏi, chăn nuôi tốt, sẵn sàng chiến đấu cao” là động lực xuyên suốt và là giải pháp quan trọng nhất.

Để đào tạo - huấn luyện giỏi, nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn, thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, quy hoạch, bố trí sử dụng; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Với phương châm “yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó”, “người đi trước dạy người đi sau, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới”, cùng với cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, nhà trường duy trì nghiêm nền nếp tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ. Nội dung tập trung vào những kiến thức mới; đổi mới phương pháp huấn luyện; thống nhất quy cách soạn bài giảng, giáo án; biện pháp khắc phục khâu yếu trong giảng dạy, coi thi, chấm thi...

Huấn luyện viên chăm sóc chó nghiệp vụ sau giờ huấn luyện. Ảnh: Khuất Huy

Mặt khác, nhà trường đã chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội và đi thực tế tại các đơn vị để nâng cao trình độ kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; phối hợp với Học viên Biên phòng mở nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan trong nước trong nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tư liệu để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Đi đôi với nâng cao trình độ chuyên môn, nhà trường tăng cường công tác quản lý, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, tác phong công tác, đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, lối sống, để mỗi cán bộ, giáo viên thực sự là tấm gương mẫu mực, mô phạm cho học viên. Đến nay, có 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và sau đại học, đây là nguồn lực quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường cả trước mắt và lâu dài.

Việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Theo đó, các khoa giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin; kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy, phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo. Hoạt động phương pháp, chế độ dự giảng, bình giảng, giảng mẫu ở tổ bộ môn, khoa giáo viên; tổ chức hội thi cán bộ quản lý, huấn luyện giỏi, giáo viên dạy giỏi được duy trì có chất lượng, đi vào chiều sâu; khắc phục được tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều, thụ động.

Cùng với đó, nhà trường tích cực làm mới, củng cố mô hình học cụ, thao trường, bãi tập; kiên quyết biên soạn lại những bài giảng, giáo án chưa đúng quy định. Đồng thời, đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện theo phương châm “đổi mới tư duy, phương pháp công tác; phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chức năng” trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, điều hành linh hoạt, không chồng chéo. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra huấn luyện… Từ đó, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện, giảng dạy.

Cán bộ, nhân viên thú y khám, chữa bệnh cho chó nghiệp vụ. Ảnh: Khuất Huy

Để chăn nuôi tốt, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực mở rộng quan hệ với các đơn vị trong nước như Viện Y học dự phòng Quân đội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để học tập kinh nghiệm chăn nuôi, sinh sản, lai tạo, duy trì và phát triển đàn chó cho nhà trường. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, xây dựng lòng yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với nghề cho cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên của nhà trường.

Xác định nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất Bộ Tư lệnh sử dụng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ tham gia thực hiện nhiệm vụ như: Phối hợp cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội giam; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại BĐBP Kiên Giang; tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trong đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung năm 2020; tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế năm 2020, 2021… đáp ứng tốt với sự phát triển, hội nhập của nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ biên giới và kịp thời ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong tình hình mới.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ giải pháp trên, nhà trường chú trọng xây dựng vững mạnh toàn diện, chính quy, mẫu mực, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện. Quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; tập trung đổi mới phương pháp, tác phong công tác; tăng cường giáo dục, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của trên về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật.

Triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Tổ ba người”, “Kế hoạch nhỏ, để trái đất sạch hơn”… làm chuyển biến rõ nét nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tính tự giác cho cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày Pháp luật, các chế độ ngày, tuần; tăng cường công tác quản lý, duy trì kỷ luật, tổ chức tốt hoạt động thể thao, vui chơi trong ngày nghỉ, giờ nghỉ…

Một tiết học tại nhà trường. Ảnh: Khuất Huy

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã khắc phục triệt để những hạn chế, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2021, nhà trường được đề nghị Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua. Đây là cơ sở, động lực để Nhà trường tiếp tục phấn đấu vươn lên, xây dựng vững mạnh toàn diện, chính quy, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Trịnh Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Trường Trung cấp 24 Biên phòng

Bình luận

ZALO