Biên phòng - Gác lại bộn bề công việc ở Thủ đô, tôi đặt chân đến huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) trong những ngày giữa tháng 4 nắng vàng rực rỡ. Suốt hành trình dài hơn 7 giờ đồng hồ trên xe ô tô, trong đầu tôi vang lên giai điệu nhạc của bài hát “Anh có theo về cùng em - Than Uyên” của nhạc sĩ Tất Nghĩa “Có mảnh đất nào ở giữa hai mùa nhớ/ Nắng vàng trải mật mảnh đất Than Uyên/ Mường Than đây lúa chín chảy một dải liền/ Thung lũng Than Uyên ngắm giữa núi đồi mênh mông…”.

“Anh có theo về cùng em - Than Uyên” là một bài hát mới “toanh” của nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Tất Nghĩa (Nhà hát Công an nhân dân) phổ thơ doanh nhân Đinh Quang Trung (bút danh Khánh Dương), một người luôn nặng lòng với vùng cao, đặc biệt là Than Uyên. Chính doanh nhân Đinh Quang Trung đã lên ý tưởng, kết nối và thiết kế chương trình âm nhạc “Theo em về Than Uyên” được tổ chức trong khuôn khổ Tuần Du lịch-Văn hóa, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Than Uyên (15/10/1952-15/10/2022), hưởng ứng Tuần Du lịch-Văn hóa Lai Châu năm 2022.
Chương trình âm nhạc với sự dàn dựng công phu, chuyên nghiệp và được các nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp tới từ Hà Nội, như: các Nghệ sĩ Ưu tú Việt Hoàn, Hồng Liên, Ngọc Anh, Quang Hưng và các ca sĩ trẻ: Minh Quân, Thu Thủy, Việt Tú cùng vũ đoàn FIRE... biểu diễn. Đa phần các nghệ sĩ, ca sĩ mới đến Than Uyên lần đầu và họ cảm thấy choáng ngợp trước “sức nóng” trong bầu không khí mà đồng bào các dân tộc nơi đây mang đến.
Quả đúng như vậy, mặc dù 20 giờ, chương trình âm nhạc mới bắt đầu, nhưng 19 giờ, bà con đã chật kín sân vận động huyện. Có hàng nghìn người, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, gác lại công việc để có mặt tại đây. Cũng là người có mặt tại đêm nhạc, tôi cảm nhận rất rõ không khí hồ hởi, hào hứng trên từng gương mặt của bà con và cảm tưởng đó là đêm nhạc tầm cỡ và quy mô nhất mà họ từng tham dự. Âm nhạc với sứ mệnh kết nối những trái tim đồng điệu, giúp con người xích lại gần nhau hơn và âm nhạc cũng giúp con người trỗi dậy, vươn lên vượt qua đói nghèo. Và được là khán giả của chương trình nghệ thuật ấn tượng này, tôi cảm nhận được rằng, âm nhạc là “món ăn tinh thần” mà bà con các dân tộc ở Than Uyên còn rất thiếu và thay vì từ thiện hàng hóa, lương thực thì đây là một ý tưởng rất mới, rất hay.
Tôi hết sức tâm đắc khi được trò chuyện cùng chị Phương Hạnh, thành viên Ban Tổ chức đêm nhạc này. Chị kể: “Khi tôi nói chuyện với bạn bè tôi về Than Uyên, ai cũng hỏi, Than Uyên là ở đâu, của tỉnh nào? Hầu hết 10 người được hỏi có biết Than Uyên ở đâu không, thì cả 10 người đó đều lắc đầu không biết. Do địa lý khá xa và ít địa điểm du lịch, nên Than Uyên không có mấy khách du lịch biết tới. Đó chính là những điều trăn trở khiến tôi thương Than Uyên, thương đồng bào, những người dân Than Uyên và các con học sinh tại vùng đất này. Tôi bắt đầu hình dung và lên kế hoạch để sao cho không lãng phí chương trình, sao cho đồng bào phải thật vui nhưng cũng phải để cả nước biết tới có một Than Uyên nhỏ bé của tỉnh Lai Châu”.
Phải nói Than Uyên có tiềm năng du lịch rất lớn, bởi chỉ ở lại trong thời gian ngắn, tôi đã kịp khám phá một số địa danh, lễ hội rất hấp dẫn, như: Đồi thông khu 7, Love Hill, làng cá Thẩm Phé, không gian giới thiệu các sản phẩm OCOP và được xem các hoạt động trình diễn nét đẹp áo dài Việt Nam, trang phục truyền thống các dân tộc, lễ hội Kin Pang, giải đua thuyền đuôi én..., rồi sự xuất hiện của Câu lạc bộ thuyền hơi NiBC, tại nơi được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Tây Bắc”. Với những địa phương vùng sâu, vùng xa, đi lại còn nhiều khó khăn như Than Uyên thì không gì hơn là phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa bản địa. Đó là hướng đi mà một số địa phương có địa hình tương tự đã, đang làm và bước đầu có hiệu quả rõ rệt.
Theo ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, huyện mong muốn tiếp tục khơi dậy tiềm năng văn hóa, phong phú, độc đáo và quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh những bản sắc dân tộc, giàu truyền thống của các dân tộc thông qua các lễ hội và chương trình nghệ thuật.
“Các chuỗi hoạt động trong Ngày hội Du lịch-Âm nhạc “Theo em về Than Uyên” năm 2022 nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, văn hóa tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm từ các mô hình phụ nữ, thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực... tới du khách. Qua đó, góp phần thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 6-10-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025”, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn, thu hút khách du lịch tới huyện Than Uyên” - ông Chiến nhấn mạnh.
Giờ thì đại dịch Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát, kinh tế đang ngày càng mở cửa và du lịch đang kỳ vọng là “cú đấm thép” trong sự phát triển đó. Trở về sau chuyến đi Than Uyên, tôi mường tượng và tin tưởng về một Than Uyên vươn lên phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa. Ở đó, bà con sẽ không còn đói nghèo nữa, trẻ em sẽ được sống cuộc sống no đủ, được “tung tăng cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương”. Và trong sâu thẳm lòng tôi lại ngân nga theo điệu nhạc của bài hát “Anh có theo về cùng em - Than Uyên” (tiếng Thái là “Ai chi pày hươn tòi noọng e...”) để rồi lại ước mong, lại hồi hộp, lại chờ đợi được đến với mảnh đất “ở giữa hai mùa nhớ” thêm nhiều lần hơn nữa.
Ngô Khiêm