Biên phòng - Đã nhiều tháng nay, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị được điều động bám chốt biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 vào nước ta. Đặc biệt, đoạn biên giới trên sông Sê Pôn mùa nước cạn, ở đâu cũng có thể qua lại thì “sức ép” đối với những người lính càng lớn hơn. Dù phải đối diện với thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh vẫn giữ vững ý chí, lạc quan, tin tưởng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.
Bài 1: Những ánh mắt luôn hướng về biên giới
Bài 2: Nỗi ám ảnh sau những trận mưa đầu mùa
Cuối tháng 6, những trận mưa giông đã bắt đầu xuất hiện, “giải nhiệt” cho vùng đất biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Trị vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Thế nhưng, khi khắp nơi ẩm ướt, chốt Biên phòng lại trở thành nơi trú ngụ của các loài côn trùng, rắn, rết. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người lính phải đối diện với thách thức, nguy hiểm từ thiên nhiên. Dù vất vả, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng vượt qua tất cả, họ vẫn cất cao tiếng hát giữa núi rừng biên cương.
Rắn, bò cạp “thăm” chốt Biên phòng
Trong đêm mưa, cùng đồng đội vừa tuần tra trở về, Trung úy Nguyễn Thành Quang, nhân viên Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thuận, BĐBP Quảng Trị vén cửa bước vào lán bạt, đột nhiên, anh dừng lại, nhảy ngược về phía sau. Phút giây định thần lại, anh chợt hô lớn: “Cẩn thận, trong chốt có rắn”. Sau đó, mọi ánh đèn pin của cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác tập trung chiếu sáng vào trong, thì phát hiện một con rắn lục xanh đuôi đỏ đang tìm cách chui xuống nấp dưới mép bạt. Theo người dân địa phương, đây là loài rắn cực độc, người bị cắn sẽ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chốt Biên phòng này được dựng lên sát bờ sông Sê Pôn trên diện tích đất trồng chuối của nhân dân địa phương, cách xa khu dân cư, không có điện lưới, ban đêm anh em tổ công tác thường sử dụng đèn tích điện để chiếu sáng. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phải tự chăm lo cuộc sống sinh hoạt, ăn uống. Khu vực dựng lán đất bằng phẳng, không có bóng cây lớn che chắn, những ngày nắng to, nhiệt độ trong lán bạt có thể lên đến 40-45 độ C. Để đảm bảo sức khỏe, cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác phải “rời lán” xuống mắc võng dưới những gốc cây sát bờ sông để vừa tránh nóng, vừa đảm bảo canh gác tốt hơn.
Những người lính ở đây chia sẻ, nắng nóng đã vất vả, nhưng những trận mưa đầu mùa càng khiến các anh gian truân, thử thách hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Ám ảnh nhất là mưa kèm với gió lốc và côn trùng đến “thăm” chốt. “Ở khu vực sát bờ sông, mưa thường đi kèm với gió lốc khủng khiếp lắm, khi đó, anh em trong tổ, mỗi người một góc giữ cho lán đứng vững, không bị cuốn đổ sập. Nhưng lo nhất là sau những trận mưa, khi xung quanh đều ẩm ướt thì rắn, bọ cạp... lại tìm đến chui vào lán. Chúng tôi đã tổ chức phát quang, phun thuốc xung quanh khu vực, nhưng hiệu quả không cao nên mỗi lần ra ngoài trở về đều phải quan sát thật kỹ” - Trung úy Quang cho biết.
Những người lính thực hiện nhiệm vụ ở các chốt Biên phòng dọc sông Sê Pôn đã quen với việc sau mỗi trận mưa, bọ cạp bám kín lán bạt, thậm chí còn chui vào cả quần áo treo ở móc. Ở đây, bóng đèn tích điện được bố trí xung quanh thay vì treo trực tiếp trong lán, mục đích là để hạn chế ánh sáng thu hút côn trùng tìm đến. Việc sử dụng tăng võng ở các chốt cũng được xem là một biện pháp đảm bảo an toàn tốt hơn so với nằm ở giường. Để đảm bảo an toàn, mỗi lần bước chân xuống đất, họ đều phải quan sát rất kỹ xung quanh.
Có các phương án đề phòng, tuy nhiên, người lính Biên phòng cũng không thể tránh được những rủi ro. Hôm đó, sau cơn mưa chiều đầu mùa, Thiếu tá Hoàng Hữu Linh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thuận thường trực tại chốt chặn biên giới thôn 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đang ngồi nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Bỗng dưng, anh hét lên một tiếng thất thần khiến đồng đội hoảng hốt chạy đến. Anh Linh bị một con rết to bằng ngón tay cái cắn ở cổ chân.
Tiếng hát giữa rừng biên giới
Dù luôn phải đối diện với những khó khăn, hiểm nguy rình rập, nhưng hơn 4 tháng nay, trên 500 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị vẫn kiên cường bám chốt biên giới. Họ thèm một giấc ngủ ngon, một bữa cơm sum vầy bên gia đình. Nhưng có lẽ, hơn ai hết, mỗi người lính mang quân hàm xanh xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình ở tuyến đầu “giữ bờ, ngăn đê” phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Chính vì lẽ đó, trong hành trình đến các chốt Biên phòng dọc sông Sê Pôn, chúng tôi luôn cảm nhận được sự vững vàng, kiên định, lạc quan của những người lính. Trong thời tiết khắc nghiệt, đối diện với muôn vàn khó khăn, vất vả, vẫn thấy các anh tự chủ bằng cách chăm sóc vườn rau xanh tươi tốt để cải thiện bữa ăn. Và những lúc giải lao, tiếng hát của người lính vẫn cất lên trong các chốt biên giới.
Dưới cái nóng như thiêu, đốt của miền Trung, bên cạnh chốt Biên phòng thuộc thôn 3, xã Thuận của Đồn Biên phòng Thuận, nhiều luống rau vẫn xanh mơn mởn. “Từ khi thực hiện nhiệm vụ tại đây, bữa ăn hằng ngày của anh em trong chốt phụ thuộc vào các chợ “di động” vào địa bàn. Chúng tôi gọi điện đặt trước, khi đi qua trục đường chính, tiểu thương gửi lại ở nhà dân, tới phiên đồng chí nào nấu ăn thì tranh thủ chạy ra lấy về. Chủ yếu mua “món mặn”, còn rau xanh được hái từ thiên nhiên và anh em tăng gia được”- Thiếu tá Trần Minh Đồng, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Thuận, thực hiện nhiệm vụ tại chốt Biên phòng thuộc thôn 4, xã Thuận cho biết.
Màn đêm buông xuống, chúng tôi được Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thuận dẫn đi kiểm tra, nhắc nhở anh em đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Khi gần đến điểm thuộc thôn 3, xã Thuận thì nghe tiếng đàn ghi ta lẫn tiếng hát ngân nga: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào vui hơn...”. Người ôm cây đàn ghi ta là Binh nhì Bùi Thế Sơn, mọi người trong tổ đang hòa cùng lời bài hát. Khi trò chuyện, Sơn chia sẻ: “Tôi được điều động ra thực hiện nhiệm vụ ở chốt đã được 3 tháng, cũng đã dần quen với sự khắc nghiệt của thời tiết. Các anh, các chú ở đây cũng rất lạc quan, mình còn trẻ thì ngại gì gian khó”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Đơn vị duy trì 15 chốt dọc sông biên giới Sê Pôn, 1 tổ cơ động thường xuyên bám địa bàn. Chỉ huy đơn vị cũng thường xuyên thay nhau đến tận các chốt kiểm tra, đôn đốc, động viên anh em. Ngoài ra, chúng tôi cũng lập nhóm Zalo kết nối với tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ để kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên anh em”.
Viết Lam - Xuân Thế