Biên phòng - Mỹ Á là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều năm trước, cửa biển bị bồi lấp, nên tàu thuyền đánh bắt xa bờ không thể vào cảng neo đậu và tránh trú thiên tai. Sau khi hoàn thành dự án thông luồng và xây dựng cảng giai đoạn 2 vào cuối năm 2019, cửa biển Mỹ Á đã đón nhận hàng nghìn lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào bán sản phẩm, xuất bến đi hành nghề ở vùng biển khơi.
Tạm biệt “cửa biển tử thần”
Những ngày trăng tròn, cảng Mỹ Á có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ vào neo đậu, nghỉ ngơi. Trở về bến muộn hơn so với bạn thuyền, ngư dân Hồ Thiều (53 tuổi) điều khiển con tàu công suất 720 mã lực mang theo gần 8 tấn hải sản khai thác ở vùng biển Hoàng Sa giảm tốc độ, nhẹ nhàng lách qua cửa biển, tiến vào cảng cá. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt người thuyền trưởng, kiêm chủ tàu dạn dày sóng gió. Anh vui vì phiên biển này khai thác được nhiều loại hải sản xuất khẩu có giá trị cao, vui hơn khi cửa biển Mỹ Á đã khơi thông, tàu thuyền ra vào an toàn, bà con ngư dân mua bán thuận lợi.
Tàu cập bến, ngư dân Hồ Thiều buông giọng nói hào sảng: “Luồng lạch thông thoáng ra vào sướng lắm, anh ơi! Đầu năm đến giờ, đánh bắt ở đâu, anh em tôi cũng chạy về cảng quê mình. Về đây bán hải sản được giá, tạo công việc cho bà con. Và vui nhất là được về với vợ, con sau những ngày ăn, ngủ trên sóng”.
Cửa biển Mỹ Á thuộc phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) từng được ví như là “cửa biển tử thần”. Nơi đây là “điểm đen” tai nạn cho những chiếc tàu cá công suất lớn mỗi khi ra vào. Là công dân ở phường Phổ Quang, nhưng nhiều năm qua, thuyền trưởng Hồ Thiều phải neo trú tàu và bán hải sản ở các tỉnh bạn. Những ngày lễ, Tết nghỉ biển, ngư dân Thiều và bà con phải thuê người trông coi phương tiện, rồi mới đón xe đò về thăm gia đình. Mặc dù mong muốn đưa tàu về quê để giảm các khoản chi phí, nhưng việc cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp và trở thành cái “bẫy tàu” đã khiến cho những con thuyền lớn phải biền biệt xa quê.
Nghề biển của ngư dân phần lớn là nghề cha truyền, con nối. 16 tuổi, ngư dân Đặng Niềm tập tành ra biển học nghề để kế nghiệp cha. 50 tuổi đời, gần 35 năm bôn ba trên các vùng biển, bến thuyền, kinh nghiệm biển khơi ông không thiếu, nhưng khi đối mặt với cửa biển Mỹ Á thì ông nơm nớp lo sợ. Mong muốn cửa biển an lành, bến bãi thông thoáng luôn cháy bỏng trong ông và bà con ngư dân nơi đây qua nhiều thế hệ.
Ước mơ ấy giờ đã hiện hữu với ông Niềm và ngư dân ở làng chài Mỹ Á. Cái “bẫy tàu” nơi cửa biển ngày nào đã được Nhà nước đầu tư tiền bạc phá dỡ. Nhiều tháng qua, đánh bắt ở ngư trường xa hay gần, ông đều đưa tàu về quê xác nhận nguồn gốc hải sản, bán cho thương lái. Đưa được tàu về “quê xưa, bến cũ”, ông tiết kiệm được rất nhiều khoản tiền mà trước đây phải chi tiêu. Ngư dân Niềm cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, giá hải sản lên xuống thất thường, nhưng phiên biển nào tàu tôi cũng “trúng mánh”. Được mùa, giảm chi phí, nên 6 tháng nay, thu khoảng 3 tỉ đồng, chia cho anh em bạn mỗi người được hơn 70 triệu đồng. Kinh tế gia đình của anh em trên tàu khá lên rất nhiều”.
Đón “luồng gió mới”
Cửa biển Mỹ Á thông thoáng, ngư dân trong làng ai nấy đều hân hoan. Người vui nhất vẫn là ông Nguyễn Xết, Vạn trưởng. 17 năm làm Vạn trưởng làng chài Mỹ Á, ký ức về chuyện về cứu người, cứu tàu tai nạn ở cửa biển vẫn vẹn nguyên trong ông. Ông nói: “Cửa biển Mỹ Á nằm giữa hai ngọn núi, nên có nhiều đá ngầm, rồi không biết sao mà nó cứ cạn dần, cạn dần, làm cho tàu thuyền của ngư dân trong làng này không thể về nhà. Cứ vào trong âu là bị kẹt, cố ra ngoài là mắc cạn, thủy triều lên, thuyền bị sóng đánh chìm. Tai nạn liên tục xảy ra, ngư dân bỏ tàu, bỏ tài sản để giữ tính mạng, hoặc đi tứ tán các nơi”.
Chứng kiến không biết bao nhiêu chiếc tàu, bao nhiêu con người đã phải bỏ xác, bỏ mạng nơi cửa biển, ông Xết không đành lòng nên nhiều năm trước, ông vận động kinh phí cải tạo cửa biển. “Hồi đó, xin kinh phí miết không được, càng chờ thì tàu bị nạn càng nhiều. Tui với anh em trong các vạn chài vận động bà con chừng hơn 40 triệu đồng thuê xe đào đến nạo vét cửa biển. Nỗ lực của cả vạn chài như muối bỏ biển, mùa sau, cửa biển lại bồi lấp, những con tàu khơi xa trở về lại tiếp tục lâm nạn”.
Kể chuyện xưa được đoạn, ông hướng mắt, chỉ tay về phía cửa biển rồi nói: “Nhà nước khơi thông cái cửa này là đỡ cho ngư dân biết bao nhiêu tai nạn. Dân vạn chài ra vào an toàn, tàu thuyền mang cá về cảng tấp nập, lòng tôi vui như mở cờ”.
Theo thống kê của Đồn Biên phòng Phổ Quang, BĐBP Quảng Ngãi, từ đầu năm 2020 đến nay, cảng Mỹ Á đón nhận trên 1.700 lượt tàu cá xa bờ trong và ngoài tỉnh ra vào hành nghề, bán sản phẩm. Con số này tăng gần gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2019. Những lúc ông trời hắt hơi, sổ mũi, biển trở mình sóng lớn thì tàu thuyền vào neo đậu càng đông hơn.
Đôi tay thoăn thoắt vá lưới cho các con tàu làm nghề vây rút chì, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, ở phường Phổ Quang tươi cười thổ lộ, người làng biển sống cùng chén cơm mang về từ khơi xa. Tàu cá vào cảng nhiều, bà con có việc làm, nhiều dịch vụ khác phát triển. Từ chị buôn gánh, bán bưng đến người xây chì, vá lưới, ai cũng có thu nhập. Chị Hạnh nói: “Chúng tôi ngày nào cũng có công chuyện làm ăn, không xuống bến bưng cá, thì lên tàu vá lưới cho mấy ông chủ tàu. Thu nhập vài ba trăm nghìn trong ngày cũng đủ đắp đổi cho gia đình”.
Khác xa với cảnh đìu hiu xưa cũ, cảng Mỹ Á giờ trên bến, dưới thuyền đều nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Những mẻ cá lớn ngư dân đánh bắt từ các vùng biển xa đưa về bờ, nhanh chóng được xác nhận nguồn gốc và chuyển cho thương lái. Chỉ tính riêng phường Phổ Quang, 6 tháng đầu năm 2020, ngư dân địa phương này đã đánh bắt được 7.500 tấn hải sản các loại, tổng giá trị sản phẩm thu được ước tính đạt 262 tỉ đồng, nhiều gia đình khấm khá nhờ cung cấp các dịch vụ hậu cần cho tàu cá. Ông Võ Xuân Cẩm, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang từ tốn nói: “Ngư dân Mỹ Á ơn Đảng, Nhà nước mình rất nhiều. Đổ bao nhiêu tiền của mới có được cửa biển an toàn, bến bãi thông thoáng. Bây giờ có người đóng mới 3, 4 chiếc tàu, công suất từ 500 mã lực trở lên để làm ăn”.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu năm, đàn ông, trai tráng trong làng lại tề tựu về lăng vạn bên thềm cửa biển để tạ ơn thần Nam Hải, ghi nhớ công ơn của Đảng rồi mở biển vươn khơi. Sau mỗi tuần trăng, họ mang về cảng Mỹ Á hàng chục tấn hải sản khai thác từ các vùng biển khơi xa. Làng Mỹ Á ngày càng trù phú nhờ vào kinh tế biển.
Văn Tánh