Biên phòng - Các bộ trưởng của Israel ngày 16-7 đã thông qua lần đầu đối với dự thảo luật nhằm gây khó khăn hơn cho chính phủ nước này trong việc trao một phần của thành phố Jerusalem cho Palestine như một phần trong thỏa thuận hòa bình tương lai. Đây là một rào cản khiến các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine do Mỹ làm trung gian bị đình trệ từ mùa xuân năm 2014, tiếp tục giậm chân tại chỗ.

Dự luật được Nghị sĩ Shuli Moalem - Refaeli thuộc đảng cực hữu Ngôi nhà Do Thái đề xuất có nội dung bất kỳ hành động nhượng đất mà phía Israel coi là thuộc Jerusalem cần ít nhất 2/3 phiếu ủng hộ trong Quốc hội. Luật hiện hành quy định cần ít nhất 61 thành viên Quốc hội Israel nhất trí đối với việc chuyển giao việc kiểm soát chủ quyền bất kỳ khu vực nào của Jerusalem cho các cơ quan và chính phủ nước ngoài.
Dự luật mới tăng số phiếu ủng hộ tối thiểu lên 80, con số khiến điều này gần như là bất khả thi đối với Chính quyền Israel nhằm nhận được sự chấp thuận đối với việc chia tách thành phố Jerusalem. Lãnh đạo đảng Ngôi nhà Do Thái Naftali Bennett cho biết, Dự thảo sẽ ngăn chặn tình huống giống như năm 2000 khi Thủ tướng lúc đó Ehud Barak muốn trao Núi Đền và 2/3 diện tích Thành Cổ cho nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat trong thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình.
Israel đã chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây của Palestine trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn phần Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hiện nay được cho là chính phủ thiên hữu nhất trong lịch sử Israel. Các bộ trưởng chủ chốt đều phản đối giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Với mong muốn nối lại cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông dựa trên giải pháp hai nhà nước, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16-7 cho biết, Pháp sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao hướng đến mục tiêu này theo các tiêu chuẩn hòa bình được cộng đồng quốc tế công nhận.
Tổng thống Pháp cho rằng, Israel và người Palestine nên "sống bên nhau trong các đường biên giới được công nhận và đảm bảo an ninh". Ông cũng nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế phải "được tất cả các bên tôn trọng", hàm ý nói tới hoạt động xây dựng nhà định cư liên tiếp của Israel tại các phần đất chiếm đóng của người Palestine, chính sách mà Pháp phản đối. Ông Emmanuel Macron cũng bày tỏ hy vọng "mọi chuyện sẽ được giải quyết để thúc đẩy hòa đàm".
Trước đó, ngày 12-7, ông Emmanuel Macron đã gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với giải pháp hai nhà nước và phản đối việc Israel tiếp tục xây dựng nhà định cư trên các phần đất chiếm đóng của Palestine.
Trong một diễn biến khác, ngày 16-7, Israel đã mở lại một phần của đền thờ Hồi giáo al-Aqsa sau hơn 1 ngày đóng cửa do một vụ tấn công khiến 2 cảnh sát Israel cùng 3 đối tượng thiệt mạng. Cảnh sát Israel cho biết, khoảng 200 người theo đạo Hồi đã vào đền thờ cầu nguyện sau khi mở cửa 30 phút. Hiện chỉ những cư dân của thành phố Jerusalem, bao gồm Đông Jerusalem được phép vào đền thờ này.
Ngoài ra, giới chức Israel chi cho phép mở Cửa Sư tử (Lion's Gate), nơi máy dò kim loại đã được lắp đặt. Dự kiến, những cửa khác sẽ được mở lại sau. Tuy nhiên, nhiều người Hồi giáo phản đối việc lắp đạt máy dò kim loại và máy quay an ninh đã tổ chức cầu nguyện bên ngoài đền thờ.
Thu Uyên