Biên phòng - Những ngày gần đây, thông tin về các cuộc đàm phán khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), truyền thông quốc tế dẫn nguồn thông tin nội bộ Chính phủ Mỹ cho biết, một động thái tích cực gợi nhiều triển vọng thỏa thuận hồi sinh JCPOA có khả năng đạt được giữa các bên, khi Iran đã từ bỏ quy định “lằn ranh đỏ”.
Thông tin từ các hãng thông tấn lớn quốc tế cho hay, Iran đã dừng việc yêu cầu Mỹ loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ để đổi lấy việc chính quyền Iran trở lại tuân thủ JCPOA. Phản ứng đối với dự thảo thỏa thuận hạt nhân do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, Iran không yêu cầu hủy IRGC khỏi danh sách này mà chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt và đảm bảo về cam kết kinh tế.
Động thái của Iran diễn ra trong bối cảnh có những báo cáo cho hay, các bên sắp đạt được thỏa thuận chung về việc Mỹ và Iran quay trở lại tuân thủ JCPOA.
Theo giới quan sát chính trị quốc tế, việc hồi sinh JCPOA thời gian qua đã nhiều lần có tín hiệu tích cực về việc có thể đạt được thỏa thuận chung. Sự kiện này có thể sẽ là một động lực mới thúc đẩy tiến trình hồi sinh JCPOA có bước tiến nhanh hơn.
JCPOA được ký kết vào năm 2015, tại Thủ đô Vienna, Áo giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức). Vào năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ chính thức rút khỏi JCPOA, kéo theo hàng loạt diễn biến bất ổn đe dọa sự tàn lụi của thỏa thuận này, cũng như trật tự thế giới liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Đi kèm với đó, Mỹ đã thiết lập chế độ trừng phạt “gây áp lực tối đa” nhắm vào Iran trên mọi phương diện khiến Iran “gồng mình” chống chọi và tiến hành đáp trả bằng cách mở rộng chương trình hạt nhân, tạo ra mối quan ngại rất lớn về nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Trước áp lực của quốc tế, chính quyền Iran liên tục đưa ra các thông điệp khẳng định rằng, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như quan điểm, lập trường kiên định của Iran là phản đối vũ khí hạt nhân. Dẫu vậy, mối lo ngại vẫn không ngừng gia tăng đối với các cường quốc khác.
Năm 2021, khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, “hồi sinh” JCPOA được coi là một ưu tiên hàng đầu của siêu cường này và nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các bên liên quan trực tiếp, bao gồm Iran. Dù hồi sinh JCPOA được coi là ý chí chung, nhưng trên thực tế, sự phức tạp trong các điều khoản của thỏa thuận cũng như nguyện vọng riêng của mỗi bên trở thành rào cản rất lớn.
Giới quan sát quốc tế cho hay, chính quyền Iran đã nhiều lần khẳng định mong muốn khôi phục JCPOA và cũng cho biết, luôn sẵn sàng mang đến các cuộc đàm phán thái độ thiện chí, cùng đóng góp mang tính xây dựng nhằm hiện thực hóa mục tiêu hồi sinh thỏa thuận chiến lược quốc tế này. Dẫu vậy, Iran cũng như các bên liên quan đặt ra những “lằn ranh đỏ”, gây nên nhiều căng thẳng trong suốt quá trình đàm phán. Thậm chí, cũng có nhiều lúc, triển vọng hồi sinh JCPOA từng trở nên vô cùng tồi tệ.
Giới chuyên gia chính trị nhận định, bối cảnh thế giới kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay đã chuyển biến vô cùng phức tạp. Trên trường quốc tế, nhiều quan điểm, đường lối lãnh đạo trước thời kỳ dịch bệnh đến nay cũng không còn phù hợp và cần phải thay đổi. Trong vấn đề JCPOA cũng vậy, khi đường lối của phương Tây và Iran đều cần phải thay đổi trong bối cảnh đầy rẫy thách thức, khủng hoảng đan xen hiện nay.
Dẫu vậy, giới chuyên gia cho rằng, những động thái tích cực vừa qua vẫn chỉ mang tính chất là “tín hiệu” thay vì những động thái rõ ràng, cụ thể về việc hồi sinh JCPOA. Bởi, đây vốn là vấn đề có tác động rất lớn tới lợi ích thiết thực của cả phương Tây và Iran. Vì vậy, dự báo của giới chuyên gia cho rằng, dù các bên sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận, song, những diễn biến phức tạp vẫn sẽ xảy ra trong thời gian tới.
Thanh Trúc