Biên phòng - Gần 30 trẻ nhỏ mồ côi cha, mẹ, thiếu thốn tình thương yêu gia đình đã được BĐBP Hà Giang nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị trong mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Từ ngày làm con nuôi BĐBP, cuộc đời các cháu đã ấm áp, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của những người lính.

Kết thúc kỳ nghỉ Tết vui vẻ, đầm ấm cùng 2 em và những người bố nuôi ở Đồn Biên phòng (BP) Phó Bảng, sáng sớm ngày 6-2, Vàng Thị Chá sửa soạn tư trang, xuôi về thành phố tiếp tục kỳ học thứ 2 của năm học lớp 11. Những người lính BP thương cô bé như con ruột của mình. Họ giúp Chá sắp đồ, rồi trực tiếp đưa em về lại trường. Phút giây tạm biệt ai cũng lưu luyến, bởi phải mấy tháng nữa Chá mới lại về.
Chá là chị ruột của Sáu (15 tuổi) và Chở (13 tuổi) mồ côi cha từ năm 2014. Cả 3 chị em được Đồn BP Phó Bảng nhận về nuôi từ năm 2016. Nhà Chá ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Bố mất, mẹ lấy chồng bên Trung Quốc, 3 chị em Chá bị bỏ lại bơ vơ giữa đời. Thương bọn trẻ, người bác ruột đưa cả 3 chị em về nhà mình nuôi nấng. Khổ nỗi, gia cảnh của bác rất nghèo khó lại đông con nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Chị em Chá vừa phải đi học, vừa phải giúp bác làm nương, cắt cỏ chăn bò. Ăn uống thiếu thốn, kham khổ khiến cho chị em Chá gầy guộc, ốm yếu.
Biết hoàn cảnh của chị em Chá, những người lính Đồn BP Phó Bảng đã rất trăn trở. Cả đơn vị thảo luận và thống nhất nhận cả 3 chị em về đơn vị nuôi dưỡng. Đồn BP vốn dĩ toàn đàn ông, không thạo việc chăm trẻ nhỏ nên sự xuất hiện của 3 cô con gái nhỏ khiến những người lính không khỏi lúng túng. Thế rồi, tình thương đã gắn kết họ với 3 người con nuôi, giúp họ vượt qua được những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu để chăm sóc kỹ càng từng giấc ngủ và bữa ăn cho tới việc học hành của các con. Những người lính bố trí một phòng riêng, có nhà vệ sinh ngay phía sau cho 3 chị em ở chung. Trong phòng có đầy đủ giường tủ, bàn học. Quần áo, chăn màn, sách vở đều được họ mua sắm đầy đủ cho các con. Đơn vị còn cử riêng một cán bộ chuyên chăm lo việc ăn ngủ, học hành cho 3 con.
Những ngày mới về đơn vị, 3 chị em Chá thường khóc rấm rứt vì lạ nhà, những người lính phải an ủi, vỗ về động viên rất nhiều. Theo lời kể của những người lính Đồn BP Phó Bảng, trong 3 chị em, Chở là cô bé ốm yếu nhất. Không ít lần, các anh phải thay nhau thức đêm chăm sóc khi cô bé sốt cao. Chăm sóc cho 3 cô con gái từ khi còn rất nhỏ, dẫu vất vả, những người lính ở đây rất vui vì có thêm tiếng nói ríu ríu của các con.
Dưới bàn tay chăm sóc của người lính, chỉ sau một thời gian ngắn, cả ba chị em Chá đều lớn phổng phao, khỏe mạnh. Từ chỗ rụt rè, ít nói, đến giờ, chị em Chá đều mạnh dạn, tự tin hơn, ríu rít trò chuyện với những người lính trong đơn vị. Giờ thể thao, 3 chị em trở thành cổ động viên cổ vũ cho những ông bố nuôi của mình. Ngoài giờ học, 3 chị em cùng ra vườn tăng gia sản xuất, quét dọn sân, vườn...
Thiếu tá Ma Đức Minh, Chính trị viên Đồn BP Phó Bảng cho biết: “Những mùa Xuân qua, ngoài hạnh phúc riêng, chúng tôi còn có hạnh phúc chung là cả 3 cô con nuôi đều rất khỏe mạnh, chăm ngoan, lễ phép và thương yêu nhau”.
Năm nay, Chá học nội trú tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Phổ thông trung học Hà Giang, còn Sáu học lớp 9, Chở học lớp 7. Từ ngày Chá xuống tỉnh học nội trú, căn phòng nhỏ ở Đồn BP Phó Bảng chỉ còn lại 2 cô em nhưng không vì thế mà vắng tiếng cười. “Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gọi điện hỏi thăm tình hình học tập của cô con gái lớn và cho cháu nói chuyện với các em. Mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết, hay nghỉ Hè, chúng tôi đón Chá về ở với các em. Tết năm nay, chúng tôi xuống đón cô lớn về đơn vị ăn Tết từ ngày 26 tháng Chạp. 3 chị em vui lắm” - Thiếu tá Minh chia sẻ.
Gặp 3 chị em Chá ngay ở Đồn BP Phó Bảng, chúng tôi cảm nhận được rằng, “ngôi nhà lính” này đã thực sự là “mái ấm” thân thương đối với chị em Chá. Chính ở nơi này, chị em Chá được sống trong hơi ấm của tình yêu thương, được tạo những điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai.

Đi suốt dọc tuyến biên giới Hà Giang, chúng tôi rất vui khi biết rằng, không chỉ có Đồn BP Phó Bảng, các đồn BP khác cũng nhận con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa về đơn vị nuôi dưỡng. Theo số liệu của BĐBP Hà Giang, hiện các đồn BP trên địa bàn đã nhận nuôi 27 cháu học sinh. Các cháu được bố trí khu ăn nghỉ riêng, được bộ đội mua sắm đủ bàn, tủ, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và hướng dẫn, kèm cặp học hàng ngày. Các cháu còn được bố nuôi BP rèn tính tự lập, kỹ năng sống, hướng dẫn chơi thể thao, trồng rau... Từ ngày được bộ đội nuôi dưỡng, các cháu có sự phát triển về thể chất cũng như nền nếp sinh hoạt, có ý thức tự giác và tự tin, hoạt bát hơn.
Ngoài nhận con nuôi, từ năm 2016, các đơn vị, cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang còn nhận đỡ đầu 51 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi học hết lớp 12. Bên cạnh đó, BĐBP Hà Giang còn nhận quản lý, chăm sóc 101 cháu học sinh do các cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP nhận đỡ đầu. Đến nay, đã có 26 cháu tốt nghiệp phổ thông trung học, 3 cháu đỗ đại học, 1 cháu đỗ cao đẳng nghề và 2 cháu đỗ vào trường trung cấp.
Được biết, trong thời gian tới, BĐBP Hà Giang sẽ tiếp tục rà soát, nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó học giỏi. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình làm tốt công tác quản lý, giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho các cháu.
Tôi tin rằng, với tấm lòng chia sẻ, đùm bọc, yêu thương của BĐBP Hà Giang, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới Hà Giang sẽ có thêm những mùa Xuân tươi đẹp, có nền tảng xây dựng tương lai vững chắc hơn.
Bích Nguyên