Biên phòng - Chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được đánh giá là minh chứng thể hiện nỗ lực đưa quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc quay trở lại đúng quỹ đạo.
Nhiều năm gần đây, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc nhiều phen sóng gió, trở thành chủ đề bàn luận nổi bật trong dư luận quốc tế. Những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước xuất phát từ câu chuyện quá khứ đã nhiều lần leo thang ngay cả trong bối cảnh khu vực và thế giới chứng kiến nhiều thách thức lịch sử.
Tuy nhiên, trong vòng 1 năm qua, mối quan hệ giữa hai quốc gia Đông Á đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với hàng loạt động thái ngoại giao, hợp tác kinh tế thể hiện nguyện vọng chung về việc “hàn gắn” quan hệ.
Đáp lại chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong tháng 3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thăm Hàn Quốc vào cuối tuần trước. Các chuyến thăm này đánh dấu việc nối lại toàn diện “ngoại giao con thoi” giữa lãnh đạo hai nước sau 12 năm. Theo đó, chuyến thăm Hàn Quốc cuối cùng của Thủ tướng Nhật Bản trong khuôn khổ “ngoại giao con thoi” do Thủ tướng Yoshihiko Noda thực hiện vào tháng 10/2011. Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 12/2011 cũng là chuyến thăm cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản.
Hai chuyến thăm của lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản vừa qua thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế khi diễn ra trong thời điểm Mỹ đang rất cần sự hỗ trợ của hai đồng minh quan trọng nhằm ứng phó với các mối đe dọa ngày càng tăng đối với Mỹ tại khu vực.
Theo truyền thông quốc tế, cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản được bao trùm bởi bầu không khí thiện chí. Trong đó, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tăng cường hợp tác sâu sắc hơn, cùng nhau giải quyết hiệu quả, hài hòa những bất đồng, mâu thuẫn giữa hai quốc gia. Đặc biệt, báo chí quốc tế cho hay, hai nhà lãnh đạo đã gửi gắm thông điệp rằng, việc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước sẽ tiếp tục được tiến hành định kỳ, thường xuyên, cho thấy mối quan hệ song phương có thể sẽ đạt được thêm những bước tiến tích cực trong thời gian tới.
Theo giới phân tích, Thủ tướng Kishida thăm Hàn Quốc với trọng tâm chính là thăm dò trực tiếp tại Hàn Quốc về khả năng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol có xu hướng hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, bởi vai trò của mỗi nước trong mối quan hệ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, cũng như trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là những “mắt xích” trọng yếu.
Lý giải về căng thẳng Nhật - Hàn, giới phân tích cho biết, khúc mắc lớn nhất giữa hai nước là vấn đề lịch sử, liên quan tới bất đồng trong việc bồi thường cho nạn nhân thời chiến theo phán quyết của Tòa án Hàn Quốc, vốn bị Nhật Bản không chấp nhận. Cùng với đó, căng thẳng nổi cộm khác giữa hai nước là tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Takeshima/Dokdo.
Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, từ khi Yoon Suk-yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc, hai nước đã có những chuyển biến theo hướng nhìn nhận lại vấn đề lịch sử một cách cởi mở hơn. Theo quan điểm của ông Yoon Suk-yeol, nếu Hàn Quốc thiện chí hơn thì Nhật Bản cũng sẽ thay đổi. Dễ thấy là việc Hàn Quốc đưa Nhật Bản trở lại Danh sách trắng các quốc gia được ưu đãi quy trình xuất khẩu thì ngay lập tức, Nhật Bản cũng hành động tương tự, đưa Hàn Quốc trở lại Danh sách trắng.
Cũng theo giới chuyên gia, trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động khó lường, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của mỗi quốc gia, Nhật Bản và Hàn Quốc cần có những động thái tích cực, hướng tới lợi ích cao nhất hiện nay là sự phát triển của hiện tại và tương lai, thay vì chỉ chú tâm đến những vấn đề quá khứ để rồi đánh đổi những lợi ích to lớn phía trước. Điều này cũng củng cố niềm tin rằng, các vấn đề lịch sử sẽ được hai nước cùng nỗ lực giải quyết hài hòa.
Thanh Trúc