Biên phòng - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, sau đây gọi tắt là giải thưởng, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức để trao tặng cho tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm thông tin đối ngoại xuất sắc.
Điều 1. Tên gọi giải thưởng
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, sau đây gọi tắt là giải thưởng, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức để trao tặng cho tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm thông tin đối ngoại xuất sắc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và người nước ngoài.
Điều 2. Mục đích và ý nghĩa
- Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong việc quảng vá hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử con người Việt Nam; thông tin về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
- Ghi nhận và tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
- Tạo động lực cho phóng viên, cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền đối ngoại; tăng cường sự kết nối, trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Điều 3. Đối tượng tham dự giải thưởng
Người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và người nước ngoài có tác phẩm thông tin đối ngoại phù hợp với tiêu chí của giải thưởng đều có quyền gửi tác phẩm tham dự giải thưởng.
Điều 4. Tiêu chí xét trao Giải thưởng
1. Tiêu chí chung
1.1. Tác phẩm được xét trao “Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018” là những tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, dành cho công chúng là người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài và người nước ngoài, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành ở trong nước và ở nước ngoài, trong thời gian từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2018.
Các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan xuất bản, các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các nước, cùng các tác giả trong và ngoài nước có tác phẩm báo chí và sách phù hợp các quy định trong thông báo này lựa chọn và gửi tác phẩm dự thi đến Cơ quan thường trực giải thưởng trước ngày 31/3/2019.
1.2. Tác phẩm bảo đảm tính kịp thời, khách quan, trung thực, chuẩn mực và khoa học; có sức lan tỏa trong nước và quốc tế, tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội; phục vụ tốt nội dung thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam, cụ thể:
- Thông tin chính xác, kịp thời, sinh động về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; phản ánh thành tựu của công cuộc đổi mới, sự ổn định, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
- Có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam ra thế giới; đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
- Khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực, nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
- Giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài hiểu đúng, đầy đủ về tình hình đất nước, đồng tình, ủng hộ việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1.3. Các tác phẩm đã được trao giải thưởng tại các cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự “Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018”, nhưng phải ghi rõ mức giải đã được trao, cùng thông tin về đơn vị tổ chức, thời gian diễn ra cuộc thi.
14.4. Tác phẩm tham dự giải thưởng không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm tác phẩm được công bố.
2. Tiêu chí riêng:
Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, sản phẩm thông tin đa phương tiện, ảnh, sách (Gọi chung là tác phẩm).
Tác giả, nhóm tác giả tham dự giải thưởng gửi tác phẩm dự thi theo các quy định sau:
Báo in:
Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, chỉ gửi dự thi một tác phẩm tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ nào dự giải.
Báo điện tử:
Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ) thể hiện được đặc trưng của báo điện tử, bao gồm cả các sản phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, thực hiện riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, chỉ gửi dự giải thưởng một tác phẩm đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ đó dự giải.
Trang thông tin điện tử:
Một bài hoặc loạt bài (không quá 05 kỳ), bao gồm cả các sản phẩm đa phương tiện, của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả, về cùng một sự kiện, đề tài. Là tác phẩm sáng tạo, mang đặc trưng thông tin điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in. Nếu tác phẩm được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, chỉ gửi dự giải thưởng một tác phẩm đại diện tiêu biểu. Cơ quan, cá nhân gửi tác phẩm phải nêu rõ lý do lựa chọn tác phẩm bằng ngôn ngữ dự giải.
Phát thanh:
Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm về cùng một sự kiện, chủ đề, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (không quá 05 kỳ). Thời lượng mỗi tác phẩm không quá 60 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.
Truyền hình:
Một tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm (không quá 05 chương trình) về cùng một sự kiện, chủ đề. Thời lượng mỗi chương trình không quá 120 phút. Tác phẩm thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh, âm thanh đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Hình ảnh, âm thanh được sử dụng trong tác phẩm phải có bản quyền.
Ảnh báo chí: Ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh cùng nội dung, chỉ tuyển chọn những nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Không xét ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm vi tính.
Ảnh phong cảnh: Ảnh đơn, nhóm ảnh. Đối với nhóm ảnh, chỉ tuyển chọn những nhóm ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Không xét ảnh ghép, ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm vi tính.
Sách: Một hoặc một bộ sách được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài liên quan công tác thông tin đối ngoại.
Nếu xuất bản, phát hành trong nước, phải đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Lập hồ sơ tác phẩm tham dự giải
3.1.Về tác giả
Sơ yếu lý lịch tác giả gồm: họ và tên, bút danh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại di động, email.
3.2.Về tác phẩm
- Mỗi tác phẩm phải kèm một bản giới thiệu khái quát về tác phẩm bằng tiếng Việt (loại hình, thể loại, nội dung chính, hoàn cảnh sáng tác, chú ý nêu bật tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn… của tác phẩm).
Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử: Phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử, nhưng phải rõ ràng và có gửi kèm đường link (với báo điện tử và trang thông tin điện tử). Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối; kèm theo 01 bản sao.
Đối với tác phẩm phát thanh: Phải ghi lên đĩa CD hoặc USB (khuyến khích gửi USB), mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm, trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, cùng văn bản phần lời của tác phẩm, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản.
Đối với tác phẩm truyền hình: Phải ghi lên đĩa DVD hoặc USB và gửi kèm đường link ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng, thời gian phát sóng, kịch bản với lời bình chi tiết, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản.
Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí…, phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm×24cm (ảnh đơn) và 12cm×18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh).
Đối với tác phẩm ảnh phong cảnh: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí…, phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm×24cm (ảnh đơn) và 12cm×18 cm (đối với ảnh trong nhóm).
Đối với sách: Phải là bản chính. Nếu tác phẩm dự giải là sách dịch phải có văn bản gửi kèm theo thống nhất giữa tác giả, dịch giả và Nhà xuất bản về việc tham dự giải và nhận giải thưởng (nếu đạt giải).
Lưu ý: Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong thể lệ này.
Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi tham dự giải thưởng.
4. Quy định về tác giả
Tác giả: Là cá nhân tác giả, nhóm tác giả trong nước và ngoài nước.
Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả chỉ được gửi tối đa 07 tác phẩm hoặc nhóm tác phẩm tham dự giải thưởng, theo các yêu cầu và điều kiện nêu trên.
Các thành viên của Ban Chung khảo không được gửi tác phẩm tham dự giải thưởng.
Điều 5. Giải thưởng
Giải thưởng năm 2018 được trao cho các tác phẩm báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách.
Cơ cấu giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: Giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải khuyến khích. Số lượng giải do Ban Chỉ đạo giải thưởng quyết định.
Đối với tác phẩm Sách là bản dịch được Hội đồng xét trao giải thưởng thì giải sẽ được trao cho tác giả. Dịch giả và Nhà xuất bản sẽ được xét trao tặng bằng khen của Ban tổ chức. Ngoài giải thưởng cho các tác phẩm báo chí và sách, các đơn vị, tập thể hoặc cá nhân tích cực tham gia, đóng góp cho giải thưởng sẽ được xem xét trao tặng bằng khen.
Điều 6. Quyền lợi cho các tác giả đoạt giải thưởng
a) Đối với tác phẩm đoạt giải Nhất, giải Nhì, giải Ba, phần thưởng gồm có:
- Biểu trưng của giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.
- Chứng nhận của Ban chỉ đạo giải thưởng.
- Tiền thưởng theo quy định giải thưởng.
b) Đối với tác phẩm đoạt giải khuyến khích, phần thưởng gồm có:
- Chứng nhận của Ban Chỉ đạo giải thưởng.
- Tiền thưởng theo quy định giải thưởng.
c) Đối với các đơn vị, tập thể hoặc cá nhân được tặng bằng khen:
- Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Tiền thưởng theo quy định giải thưởng.
Điều 7. Ban Chỉ đạo Giải thưởng
Ban Chỉ đạo giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương ra quyết định thành lập. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các công việc của giải thưởng; xem xét và công khai kết quả bình chọn các tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại theo đề xuất, kiến nghị của Hội đồng chung khảo.
Ban Chỉ đạo giải thưởng được sử dụng con dấu của Ban Tuyên giáo Trung ương trong quá trình hoạt động.
Ban Chỉ đạo Giải thưởng được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để phục vụ công tác thông tin đối ngoại.
Điều 8. Hội đồng Giải thưởng
Hội đồng giải thưởng bao gồm: Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng chung khảo do Trưởng Ban Chỉ đạo giải thưởng quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thường trực giải thưởng năm 2018 là Thông tấn xã Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng chấm giải xét chọn tác phẩm xuất sắc theo từng ngôn ngữ mà tác phẩm được trình bày (đối với các tác phẩm báo chí, chấm trực tiếp trên bản tiếng nước ngoài, không cần bản dịch tiếng Việt kèm theo; đối với loại hình sách, có thể chấm trên bản dịch). Các tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt có thể gửi kèm bản tiếng nước ngoài nếu đã được đăng tải trên các phương tiện báo chí bằng tiếng nước ngoài.
Hội đồng sơ khảo có trách nhiệm xét chọn sơ tuyển tác phẩm trình Hội đồng chung khảo xem xét, quyết định.
Điều 9. Quy trình xét, công bố và trao giải thưởng
Gồm 3 bước:
Bước 1. Xét chọn sơ khảo
Các tác phẩm gửi tham dự giải thưởng phải được gửi về Ban Tổ chức trước ngày 31/03/2019 và được Hội đồng sơ khảo xem xét, đánh giá để chọn ra tác phẩm đáp ứng các tiêu chí xét trao giải để đưa vào vòng chung khảo.
Bước 2. Xét chọn chung khảo
Hội đồng Chung khảo dựa trên kết quả của Hội đồng sơ khảo tiến hành đánh giá, thẩm định, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Chỉ đạo giải thưởng để quyết định trao giải. Việc lựa chọn tác phẩm xuất sắc để trao thưởng không nhất thiết phải xét đủ số lượng giải thưởng của mỗi loại hình, thể loại.
Bước 3. Công bố và trao giải thưởng
Lễ công bố và trao “Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018” được tổ chức vào tháng 5/2019.
Điều 10. Kinh phí thực hiện giải thưởng
Kinh phí thực hiện “Giải thượng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018” bao gồm kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo giải thưởng, Ban Tổ chức và Hội đồng giải thưởng; kinh phí tổ chức họp báo phát động giải thưởng và Lễ trao giải thưởng được bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên Ban Tuyên giáo Trung ương (thông tin đối ngoại) và nguồn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (nếu có).
Điều 11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
Các cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét trao giải thưởng và nhưng vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét trao giải thưởng. Đơn khiếu nại phải ghi rỏ họ tên, địa chỉ, lý do khiếu nại và gửi tới Cơ quan thường trực giải thưởng. Cơ quan thường trực giải thưởng có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Chỉ đạo giải thưởng. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ rõ ràng, hoặc mạo danh.
Tác phẩm tham dự giải thưởng nếu vi phạm Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, các quy định của Nhà nước có liên quan và thể lệ này, Ban Chỉ đạo giải thưởng sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 12. Điều khoản thi hành
Ban Chỉ đạo, Tổ chức, Hội đồng giải thưởng và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện thể lệ này.
Thể lệ giải thưởng có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề chưa phù hợp, Ban Chỉ đạo. Ban Tổ chức giải thưởng và các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương để xem xét giải quyết.