Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Thế hệ cán bộ Biên phòng thời ấy

Biên phòng - Những Đồn trưởng đồn Biên phòng ở Quảng Ninh không chỉ là những “cột mốc sống” trong suốt những năm biên giới cam go, ác liệt mà giờ đây, họ còn là những “cột mốc sống” trong trái tim của thế hệ lính Biên phòng trẻ hôm nay. Dưới chân Đài tưởng niệm Pò Hèn, tôi may mắn được trò chuyện với các cựu chiến binh Biên phòng về một thời oanh liệt trên mảnh đất biên cương này.

8z3t_7
Đài liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh: TTH

Ông Nguyễn Trọng Phương, quê ở phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, ở quê thường gọi là Đắp. Ông nhập ngũ từ năm 16 tuổi, sau năm 1954 được vào Nam chiến đấu rồi công tác tại Công an vũ trang tỉnh Quảng Ngãi. Sau năm 1975, ông được điều động về Quảng Ninh và làm Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 205 (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Quảng Ninh). Tháng 12-1978, huyện Đình Lập chuyển về trực thuộc tỉnh Lạng Sơn, ông lại được chuyển công tác về Công an vũ trang Quảng Ninh và làm Đồn trưởng Đồn 6 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia) trên đảo Vĩnh Thực, huyện Hải Ninh (nay là thành phố Móng Cái), mang quân hàm Đại úy.

Là một đồn trưởng tuổi cao, nghiêm nghị, nhưng ông rất vui tính, hòa đồng, say mê xây dựng đơn vị. Ông luôn giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ của 2 Đội Vận động quần chúng ở 2 xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung phải tích cực bám dân, vận động nhân dân ổn định sản xuất tại đảo. Ông nói với cánh lính trẻ: Thời nào dù chiến tranh hay hòa bình, kẻ thù nào cũng phải đánh thắng, kể cả giặc đói và giặc dốt. 

Thời kỳ đó, ông đã hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ trên các chốt tự chế biến được một món ăn khá đặc biệt mà ông đã mang từ miền Nam ra, đó là món muối hầm củ riềng. Bởi củ riềng sẵn có trên đảo, chế biến món này cũng rất đơn giản. Những hạt muối lúc đó sử dụng là muối mỏ, cục muối to bằng đầu ngón tay, vuông vuông, màu vàng, củ riềng được đào lên, giã nhỏ, trộn đều trong chiếc ống bơ sắt hộp vỏ sữa hoặc vỏ hộp bơ (sản phẩm do Liên Xô cũ viện trợ) loại 1kg đã sử dụng, đập chặt và gọn lại, cho vào bếp lửa nung khoảng nửa giờ bỏ ra, các hạt muối to đã như bột, mang đổ ra đĩa và trộn một ít vào cơm thì ăn rất ngon. Món ăn của thời thiếu thốn, nghèo khó nhưng mang hương vị “đặc biệt”, đến nay, nhiều thế hệ cựu lính Biên phòng vẫn còn nhớ mãi. 

Ông Nguyễn Cao Khải, quê ở xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều, cũng là Công an vũ trang miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, ông là sĩ quan chỉ huy đồn Biên phòng bờ biển của An ninh vũ trang tỉnh Hậu Giang cũ. Khi được điều động về Quảng Ninh, ông giữ vị trí Đồn trưởng Đồn 18 trên đảo Tuần Châu, sau đó, ông lại được điều động ra Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn, mang quân hàm Trung úy. Một thời gian sau, ông thay ông Vũ Ngọc Mai làm Đồn trưởng. 

Những ngày đầu năm 1980, khi gặp ông trên biên giới Pò Hèn, hành trang trong chiếc ba lô con cóc đã cũ của ông luôn có 2 bộ quân phục bạc màu và bánh thuốc lào. Những ngày khốc liệt triển khai quân lên chốt Cổng Trời canh giữ đường biên giới, chống tràn, khi lên chốt, ông luôn khoác 1 khẩu súng tiểu liên AK, bên trái đeo bao đạn có 3 băng đạn, bên phải đeo khẩu súng ngắn K54 và 2 quả lựu đạn chày. Ông là người chỉ huy rất nghiêm khắc với cán bộ, chiến sĩ của đồn, bởi ở bên kia biên giới là núi cao, ngày đêm luôn có những họng súng bắn tỉa rình rập hướng về chốt Cổng Trời.
Ông thường nhắc nhở: Cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh tại đây để giữ đồn, giữ biên cương của Tổ quốc ngay trong ngày đầu chiến tranh. Chúng ta phải ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Vào ngày 22-7-1982, chính ông đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn làm các thủ tục theo nghi thức truyền thống của địa phương và di chuyển hài cốt các liệt sĩ của đồn từ nghĩa trang Mả Phềnh xuống khu Vày Kháy.

Còn Đại úy Vũ Ngọc Mai, người mà ngày ấy, đồng bào Pò Hèn từ già đến trẻ cùng anh em chiến sĩ các thế hệ đều gọi với cái tên thân mật A Mai. Bởi Đại úy Mai, Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn là người đã gắn bó như ruột thịt với đồng bào của mảnh đất biên cương này trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành của Đồn Công an vũ trang Pò Hèn từ năm 1959 đến sau ngày 17-2-1979. Năm 1981, tôi được gặp lại ông, khi ông được điều động về làm Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự huyện Quảng Hà, tỉnh Quảng Ninh, được phong quân hàm Thiếu tá. Sau khi nghỉ hưu, ông về sinh sống tại quê thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Năm nay ông đã 87 tuổi.

tqcg_7a
Ông Vũ Ngọc Mai (đứng giữa) cùng các cựu chiến binh Đồn Công an vũ trang Pò Hèn trong một lần tụ hội về viếng đồng đội tại Đài tưởng niệm Pò Hèn. Ảnh: Hải Đông 

Ông Vũ Ngọc Mai rất tự hào, bởi ngày thành lập Đồn Pò Hèn của Công an vũ trang tỉnh Hải Ninh (khi đó chưa sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh), ông là chiến sĩ công an từ đảo Vĩnh Thực được điều động vào, là trinh sát của Đồn Pò Hèn. Năm 1963, ông đã tham gia bắt tên Thượng tá Trịnh Kỳ Thiệu, Chỉ huy trưởng toán biệt kích Mỹ-Tưởng xâm nhập vào khu vực biên giới Việt-Trung.

Truyền thống của lực lượng Biên phòng cùng nghĩa tình đồng đội đã gắn kết các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, để mỗi khi gặp nhau trên biên cương, họ cùng cất cao những bài hát truyền thống, kỷ niệm của một thời không thể nào quên. Họ cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp đã trở thành dấu ấn sâu đậm về đất và người trên biên giới thân yêu. Họ đã có những đóng góp vào sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP. Và dù bây giờ, tuổi đã cao, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau giữa những kỳ hội họp cựu chiến binh, họ vẫn đóng vai trò là ngọn đuốc chỉ đường cho các thế hệ lính Biên phòng trên biên giới hôm nay.

Hải Đông

Bình luận

ZALO