Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 01:21 GMT+7

Thế giới năm 2017 - Sự bất ổn hiện hữu

Biên phòng - Thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động với những thay đổi đánh dấu sự hình thành một thế giới bị chia rẽ: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ hoặc đơn phương "tái xuất hiện" tại một số nước, toàn cầu hóa đối mặt với "cơn gió ngược" về mặt chính trị, trong khi sự bất ổn và bất trắc hiện hữu.

gsnlf3w968-71094_5ea07261-08d6-f439-5799-67f342a10402@yahoo.com_anh_1
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống V.Putin là hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn trong năm 2018. Ảnh: AP

Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi quyết liệt và gây tranh cãi, nhưng cũng rất thực dụng, theo hướng đảo ngược chính sách so với chính phủ tiền nhiệm cả về đối nội và đối ngoại. Chính ông Donald Trump đã khẳng định Mỹ "sẽ đứng lên vì chính mình", và thể hiện điều này bằng các hành động đơn phương hoặc quay lưng với những bên khác trong các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới hay nhập cư.

Trong những ngày cuối năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã có "nước cờ" mạo hiểm khi tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này. Động thái ủng hộ ra mặt đối với đồng minh chiến lược Israel không chỉ khiến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm mà còn hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông, tạo nguy cơ tái bùng phát bạo lực tại khu vực được coi là "thùng thuốc súng" này.

Trong quan hệ với Nga, dư luận từng kỳ vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ giúp làm “tan băng” trong quan hệ giữa Moscow và Washington, vốn dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama đã bị đẩy xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thế nhưng, trên thực tế quan hệ Mỹ - Nga năm 2017 đã "lao dốc" không phanh, khiến ông Donald Trump có lúc phải thừa nhận rằng: "Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang ở mức thấp chưa từng thấy và rất nguy hiểm”.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trong năm 2017, các cuộc bầu cử ở châu Âu, như tại Hà Lan, Pháp, Đức và Áo, đã phơi bày một thực tế đáng ngại là tư tưởng dân túy cực đoan, chống nhập cư, kỳ thị chủng tộc đã dâng lên như một "cơn thủy triều", phần nào gạt ra một bên hoặc làm suy yếu đáng kể các đảng truyền thống khắp châu Âu. Cũng may, kịch bản đáng lo ngại về chủ nghĩa dân túy hồi sinh ở châu Âu đã không xảy ra.

Ở châu Á, tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn có những diễn biến phức tạp khi Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo, buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải thông qua Nghị quyết 2375 gia tăng các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng liệt Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố và đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đồng thời cùng Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận với mục đích "đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên". Các động thái mạnh mẽ của cả hai bên đang làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

8p5zlaui01-71094_02ce4f0c-1f7d-2ea6-f976-845126d79d27@yahoo.com_anh_2
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra tại khu vực phi quân sự ở Paju ngày 3-1. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, một loạt sự kiện diễn ra tại Trung Đông cuối năm 2017 đã cho thấy sự chia rẽ và phân cực giữa các nước trong khu vực. Điển hình là cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và nhóm nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia, bùng phát hồi tháng 6-2017 và kéo dài dai dẳng tới nay.

Trên thực tế, căng thẳng leo thang giữa Qatar và các nước khu vực là sự tích tụ của nhiều yếu tố kể từ sau “Mùa xuân Arab”, như giá dầu giảm cùng những sức ép chính trị và mâu thuẫn lợi ích giữa các nước trong khu vực. Mọi nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ cuộc xung đột được xem là nghiêm trọng nhất giữa các quốc gia Arab vùng Vịnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cho tới nay vẫn chưa đem lại kết quả bởi các bên đều giữ lập trường cứng rắn và không nhượng bộ.

Dù có nhiều trở ngại, song năm 2017 cũng chứng kiến những hy vọng nhờ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã  thất thủ ở Iraq và Syria, cùng với đó là khả năng tổ chức của IS tan vỡ. Năm 2017 cũng chứng kiến sự khởi đầu nghiêm túc để tiến tới quá trình hòa giải dân tộc ở Palestine nhằm chấm dứt hơn một thập kỷ xung đột nội bộ giữa phong trào Hồi giáo Hamas, vốn kiểm soát Dải Gaza, với phong trào Fatah vốn kiểm soát phần lớn Bờ Tây, sau khi chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas tiếp nhận quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 10...

Năm 2017 đã đi qua, mở ra cánh cửa cho năm mới 2018 với nhiều thách thức. Việc Triều Tiên tuyên bố đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình trong năm 2018 cho thấy, đây sẽ là bài toán đau đầu nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Mặc dù vậy, vẫn có sự lạc quan về triển vọng ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Đối mặt với sự trừng phạt và cô lập quốc tế mạnh mẽ sẽ buộc Triều Tiên phải tìm kiếm cơ hội đàm phán với các đối tác song song với việc làm ấm lại quan hệ liên Triều.

Sang năm 2018, EU có thể sẽ tạm yên với "nỗi ám ảnh" dân túy do không có một cuộc bầu cử lớn nào ở các nước thành viên, nhưng không vì thế mà "cơn sốt" này chấm dứt. Trái lại, nó có thể vẫn mở rộng ảnh hưởng nếu như giới cầm quyền không đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của người dân và không giải quyết được những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, bởi đây chính là những mảnh đất màu mỡ cho các đảng dân túy khai thác và giương cao khẩu hiệu.

Dù thất thủ ở Iraq và Syria, song một giai đoạn bạo lực mới do IS phát động dự kiến sẽ tiếp diễn trong thời gian tới ở hai quốc gia này cũng như lan sang các nước như Afghanistan, Pakistan, Libya, Somalia, Ai Cập... Các tay súng thánh chiến được cho sẽ tản khắp Trung Đông, tìm đến những khu vực bất ổn hòng tạo ra những điểm nóng căng thẳng và xung đột vũ trang mới. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ và các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến bức tranh của thế giới.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO