Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Thế giới đoàn kết, thẳng tiến tới thập kỷ tươi sáng

Biên phòng - Phút chậm lại trong niềm vui năm mới là lúc nhìn lại bức tranh năm 2022 đã qua với những gam màu tươi sáng và sắc sáng của hy vọng. Hơn hết, giai đoạn đầu thập kỷ mới đã dần xua tan màn mây tăm tối, thẳng tiến vào bầu trời ánh sáng.

Các đại biểu vỗ tay tán thưởng khi Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đưa ra tuyên bố trong phiên họp toàn thể bế mạc COP27 tại Ai Cập. Ảnh: Reuters

Trở lại cuộc sống bình thường

Mở đầu thập kỷ mới, thế giới ngay lập tức bước vào cảnh sống trầy trật vì đại dịch toàn cầu Covid-19. Sau 3 năm sống với “kẻ thù chung”, thế giới dường như đã “tỉnh giấc” về những giá trị trân quý, đặc biệt là sự đoàn kết quốc tế. Covid-19 không loại trừ ai, làm hơn 640 triệu người nhiễm, cướp đi sinh mạng của hơn 6,6 triệu người. “Phép màu” đã đến khi con người tìm ra nhiều loại vaccine ngừa Covid-19. Bất chấp virus này tiếp tục phát triển với những biến thể khôn lường, nỗ lực phát triển, sản xuất và tiêm chủng vaccine diện rộng đã hiện thực hóa nguyện vọng toàn cầu về việc đẩy lùi dịch bệnh. Nhờ đó, sau 2 năm, niềm hứng khởi được sống lại cuộc sống bình thường, an toàn như từng có đã bao trùm toàn thế giới và là tông màu tươi sáng chủ đạo trong bức tranh năm 2022.

Không có bức tranh nào chỉ toàn màu sáng, năm qua, vẫn còn những tông màu u tối. Người dân ở nhiều nơi phải sống trong cảnh mất điện vào mùa đông vừa qua là một ví dụ cụ thể. Những ngày tháng này, khủng hoảng năng lượng vẫn đang phủ bóng đen toàn cầu, đặc biệt là ở ngay những khu vực thịnh vượng nhất của thế giới - phương Tây. Diễn biến thời tiết khắc nghiệt tại nhiều nơi khác cũng khiến khủng hoảng năng lượng trở thành vấn nạn mới và tương đối trầm trọng của nhân loại. Đặc biệt, tại châu Âu, thời tiết lạnh giá hơn so với những năm trước trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung năng lượng, giá tăng cao khiến khủng hoảng thêm trầm trọng.

Ở góc độ tích cực, giới chuyên gia nhìn nhận, việc châu Âu trải qua những ngày tháng khó khăn vì khủng hoảng năng lượng có thể trở thành điều kiện cần thiết để châu lục lớn mạnh hơn, điều này cũng sẽ lan tỏa rộng khắp và trở thành một nguồn lực mới cho nhân loại khi có thể từng bước làm chủ những điều kiện tối thiểu để duy trì một xã hội hiện đại. Cắt đứt hoàn toàn cảnh sống thụ động, phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng có thể đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng để làm chủ “nguồn sống” của mình. Giới chuyên gia nhận định, khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài và có thể là 1 hoặc 2 năm nữa trước khi những kỳ vọng nêu trên được hiện thực hóa.

Thêm nguồn lực, thêm thách thức

Dù Covid-19 từng bước được đẩy lùi hiệu quả, song, hệ lụy vẫn còn đó, thậm chí còn làm nảy sinh thêm nhiều bất ổn hơn trước. Những bất ổn chính trị, an ninh quốc tế đã làm trầm trọng hơn những cuộc khủng hoảng đan xen như khủng hoảng tài chính, kinh tế, khủng hoảng an sinh xã hội…

Niềm hứng khởi của người dân thế giới khi được sống lại cuộc sống bình thường từng có là gam màu tươi sáng bao trùm bức tranh thế giới 2022. Trong ảnh: Người dân dự World Cup tại Qatar. Ảnh: Reuters

Trong bức tranh thế giới 2022, dễ thấy, châu Âu trải qua mùa đông lạnh giá hơn và cũng là khu vực “nóng” nhất bởi bất ổn. Bên cạnh khủng hoảng năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) cũng chênh vênh trên “đỉnh” của khủng hoảng di cư. Mức đạt đỉnh ghi nhận ngay trong 7 tháng đầu năm 2022. Thống kê của Cơ quan Biên phòng EU (Frontex) ghi nhận hơn 155.000 người đã nhập cư trái phép vào EU, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Frontex khẳng định, đây là những con số ghi nhận được, còn thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Cùng với đó, số lượng người nhập cư bị bắt trong năm qua cũng tăng cao gấp nhiều lần so với năm trước đó.

Tình trạng gia tăng mạnh lượng người nhập cư bất hợp pháp rất đáng báo động, thậm chí tạo ra liên tưởng đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất lịch sử ở EU vào năm 2016 do nội chiến Syria. Theo Ủy viên Nội vụ EU Ilva Johnson, châu Âu đang bị bất ổn an ninh phủ bóng đen. Cùng với đó, khủng bố và tội phạm có tổ chức nổi lên khiến bầu không khí chung là cảm giác bất an, buộc phải tị nạn vì cuộc sống không còn an toàn.

Căn nguyên dẫn tới tình trạng này là do khủng hoảng kinh tế từ Covid-19, cộng hưởng với leo thang xung đột, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, nạn thất nghiệp, biến đổi khí hậu… càng thúc đẩy nhu cầu rời bỏ quê hương của hàng vạn người. Châu Á và châu Phi đang lan rộng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các vấn đề kinh tế cũng là lý do khiến hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Giới chuyên gia khẳng định, khủng hoảng di cư sẽ tiếp tục tăng trong năm tới và sẽ xuất hiện thêm nhiều bất ổn trong đời sống kinh tế-xã hội và trở thành bài toán ngày càng khó tìm lời giải thỏa đáng.

Đặc biệt, trong năm qua, khi nhân loại đã đạt được những bước phát triển siêu việt, ít ai ngờ, khủng hoảng lương thực có thể xảy ra ở mức độ nghiêm trọng. Thống kê từ các tổ chức quốc tế cho thấy, có gần cả tỷ người thiếu lương thực, bao gồm hàng trăm triệu người không đủ ăn ở mức tối thiểu, hàng chục triệu người thiếu đói trầm trọng. Cảnh tượng 31 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vì cố giành phần ăn cứu trợ tại Nigeria vào tháng 5/2022 là một nỗi đau điển hình cho mức độ thương tâm của cuộc khủng hoảng lương thực. Thống kê của Tổ chức phi chính phủ Oxfam vào giữa năm ngoái cũng cho biết, ở thời điểm đó, ước tính, cứ 40 giây lại có 1 người chết vì đói.

Trong nửa cuối năm 2022, khủng hoảng lương thực dù “giảm nhiệt” nhưng vẫn là nỗi cực khổ của một phần thế giới. Các học giả trong lĩnh vực nhân khẩu học cùng nhận định, nguồn cơn dẫn tới khủng hoảng lương thực ở mức độ nghiêm trọng là kết quả từ sự cộng hưởng của chuỗi khủng hoảng an ninh, chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, kinh tế, tài chính…

Nhân viên y tế chăm sóc những em bé sơ sinh tại bệnh viện ở Beirut, Lebanon ngày 15/11 khi dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ người. Ảnh: Reuters

Thời gian gần đây, nỗ lực quốc tế giải quyết vấn nạn này đã bắt đầu đi đúng hướng, từng bước giảm nghiêm trọng. Vấn đề căn bản nhất là cần sớm giảm nhiệt căng thẳng xung đột để củng cố lại trật tự an ninh lương thực, khôi phục các chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn.

Liên quan tới khủng hoảng biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập bao trùm bầu không khí căng thẳng trong 2 tuần làm việc. Hội nghị với phái đoàn của gần 200 quốc gia phải kéo dài thêm 1 ngày phần nào phản ánh quá trình thương lượng diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp.

Vấn đề gai góc nhất tại COP27 là thiết lập một quỹ dành cho những nước nghèo và đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tựu chung lại, các bên đã đạt được bước tiến đáng kể khi vấn đề gai góc này được tháo gỡ, cụ thể là thống nhất thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu. Giới chuyên gia và dư luận quốc tế cùng chung khẳng định, đây là một thành tựu lịch sử, minh chứng cho hiệu lực tiếp nối của COP26.

Ở một diễn biến tích cực, ngày 15/11/2022, toàn nhân loại ghi dấu mốc dân số đạt 8 tỷ người. Việc dân số tăng trưởng rõ ràng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và mang nhiều ý nghĩa to lớn về sự thành công của nhân loại. Nhìn lại diễn biến trong tất cả các cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp trong năm qua, đoàn kết quốc tế hơn lúc nào hết đã trở thành nguyện vọng được toàn thế giới đề cao và là một minh chứng cho khát vọng tiếp tục vươn lên. Đây cũng là nền tảng vững chắc cho những kỳ vọng, năm 2023, toàn cầu sẽ vực dậy một cách mạnh mẽ hơn, dần đẩy lùi những cuộc khủng hoảng.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO