Biên phòng - Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng thành lập Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), giao Bộ Tư lệnh BĐBP làm cơ quan Thường trực, tiến hành soạn thảo Dự án Luật BPVN.
Dự án Luật BPVN được xây dựng trên cơ sở 3 chủ trương lớn: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo Luật BPVN đã quy định cụ thể, chi tiết các quan hệ xã hội được luật điều chỉnh, đồng thời thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước, tạo thành hệ thống các quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất.
Với sự chuẩn bị công phu của Thường trực Ban soạn thảo, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về dự thảo Luật BPVN. Qua thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo đối với dự thảo Luật BPVN; đồng thời khẳng định, việc ban hành luật là cần thiết, thể chế đầy đủ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, về tên gọi của Luật BPVN, đa số đại biểu cho rằng, đã thể hiện đầy đủ nội hàm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, thể hiện được vai trò quan trọng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, cần ban hành Luật BPVN nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế; xác định rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: “Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP đã tổ chức nhiều chương trình, phong trào hành động cụ thể và đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, BĐBP đã thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mái ấm biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường”.
Đặc biệt, thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng đã nhận nuôi con em đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi các em 18 tuổi. Các em được nuôi dạy, chăm sóc tốt sẽ trở thành những hạt nhân tiêu biểu, mai này được kỳ vọng sẽ là lực lượng nòng cốt để xây dựng biên giới vững mạnh. Do đó, những nhiệm vụ này cần phải được cụ thể hóa thành nhiệm vụ của BĐBP”.
Nhấn mạnh thêm vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, những quy định tại dự thảo Luật BPVN đều là những hoạt động biên phòng đã và đang được triển khai trên thực tế, có hiệu quả. Ngay cả trong thời điểm khó khăn khi xảy ra đại dịch Covid-19, sự phối hợp giữa BĐBP, Công an, Hải quan, Kiểm dịch về cơ bản là thuận lợi nên việc tổ chức thực thi các chế độ pháp lý trên thực tế thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật BPVN sẽ đảm bảo sự minh bạch của pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Dự thảo Luật BPVN quy định, nhiệm vụ BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang), BĐBP có nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ năm 1996 trở về trước, khi Bộ Công an quản lý BĐBP thì Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này. Từ năm 1996, BĐBP thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8-8-1995, giao BĐBP thực hiện nhiệm vụ này và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Khoản 2, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 chỉ rõ: BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới.
Tại Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì và tại Khoản 5, Điều 16, Luật Công an, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biên giới. Như vậy, quy định như dự Luật BPVN vừa phù hợp với thực tiễn và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh được những bất cập trong công tác xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
Đối với quy định hợp tác quốc tế, các đại biểu đồng tình cao với quy định này và cho rằng, đây là vấn đề quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An), thời gian qua, công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại nhân dân đạt được kết quả cao, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Nổi bật là các chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; “Biên cương thắm tình hữu nghị”; trong kết nghĩa đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên; kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới...
Đặc biệt, thời gian qua, BĐBP và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng đã phối hợp phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên biên giới, đây là yếu tố quan trọng mở rộng hợp tác quốc tế, giải quyết kịp thời những phát sinh trên biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Xây dựng, ban hành Luật BPVN nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và thể hiện một cách toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ, chính sách của Nhà nước về công tác biên phòng, yêu cầu nhiệm vụ biên phòng và các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Đồng thời, khắc phục hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, luật hóa một số quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, hệ thống chính trị cơ sở và bố trí dân cư, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, một số điều ước quốc tế liên quan. Qua đó, tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi pháp luật ở biên giới.
Viết Hà