Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 04:52 GMT+7

Luật Biên phòng Việt Nam:

Thể chế hóa mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Sáng 19-6, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch giải trình một số vấn đề đại biểu cho ý kiến. Ảnh: QH

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, đây là vấn đề lớn được Bộ Quốc phòng cùng với các bộ, ngành trong Ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đặc điểm tình hình biên giới Việt Nam, sự phát triển chung của thế giới và khu vực. Việc lấy tên Luật BPVN với phạm vi điều chỉnh như dự thảo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

“Thể chế hóa mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, thể hiện một cách toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách của Nhà nước về biên phòng, yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới và các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, luật hóa một số quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, hệ thống chính trị cơ sở và bố trí dân cư, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, một số điều ước quốc tế liên quan, tạo thuận lợi thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi pháp luật ở biên giới” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biên phòng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Như vậy, việc lấy tên Luật BPVN với phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong giai đoạn mới.

Đối với quy định BĐBP có chức năng duy trì an ninh trật tự ở khu biên giới cửa khẩu xuất phát từ cơ sở lý luận thực tiễn sau: Các nghị quyết và văn bản pháp luật hiện hành đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, do tính chất đặc điểm, nhiệm vụ, BĐBP có 28 năm thuộc Bộ Công an, 32 năm thuộc Bộ Quốc phòng, dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tình hình an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn được giữ vững ổn định, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân cả nước tin cậy. Thực tiễn chứng minh BĐBP luôn chủ động, phối hợp với các lực lượng ở khu biên giới như công an, hải quan, kiểm ngư, cảng vụ...

Đặc biệt, phối hợp với chính quyền địa phương, với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; duy trì thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về an ninh quốc gia, ma túy, mua bán người... góp phần quan trọng, ổn định tình hình ở khu vực biên giới, vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP luôn tuân thủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và các lực lượng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật quy định BĐBP có chức năng duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới cửa khẩu là có cơ sở và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

BĐBP Quảng Trị tuần tra bảo vệ cột mốc, đường biên giới Tổ quốc. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Quy định về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để bảo đảm an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

“Thực tiễn BĐBP đang trực tiếp kiểm soát nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 37 cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý. BĐBP luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu như hải quan, kiểm dịch, cảng vụ trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, tình hình an ninh, an toàn tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, luôn ổn định, tạo điều kiện tốt nhất trong xuất nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức, tạo hình ảnh đẹp trong bạn bè quốc tế” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Cũng theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuất nhập cảnh buôn lậu diễn biến phức tạp. BĐBP đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Như vậy, việc kiểm tra hàng hóa do lực lượng Hải quan chủ trì, BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan.

“Ngoài những nội dung đã báo cáo làm rõ, còn các nội dung khác như về phối hợp thực thi pháp luật, chính sách đối với biên phòng... Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tiếp tục chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật BPVN đảm bảo chất lượng nhất” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay.

Viết Hà

Bình luận

ZALO