Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 06:13 GMT+7

Thể chế hóa, luật hóa Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Trước thềm Hội nghị tổng kết 20 năm Pháp lệnh BĐBP, một số bộ, ngành, địa phương đã gửi tới Ban tổ chức bản tham luận đánh giá kết quả 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP. Trên cơ sở xác định những vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân, các bộ, ngành đã kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Báo Biên phòng xin tóm lược và đăng tải một số nội dung trong các bản tham luận.

kwcn_7a
Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng phối hợp với dân quân xã Quang Long tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đình Tự

Cần nâng Pháp lệnh BĐBP lên thành luật

Trong điều kiện hiện nay, cùng với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ biên giới, nhiều luật cũng đã được ban hành có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới, dẫn đến cần phải nâng Pháp lệnh BĐBP lên thành luật. Do đó, Bộ Quốc phòng cần sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức các hoạt động cụ thể để đề xuất và xây dựng Luật BĐBP.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) thì một trong những nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong soạn thảo luật lần này là cần xác định rõ, rành mạch nhiệm vụ của các lực lượng có liên quan ở khu vực biên giới, bảo đảm không chồng chéo và trùng lặp trong phân công nhiệm vụ của các lực lượng cùng thực thi nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ biên giới trên cùng một địa bàn, như lực lượng BĐBP với lực lượng Công an, Cảnh sát Biển...

(Bộ Tư pháp)

BĐBP là lực lượng chủ lực trong phòng chống thiên tai

Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quản lý hoạt động nghề cá, xây dựng nông thôn mới, bố trí dân cư, xóa đói, giảm nghèo... BĐBP là lực lượng chủ lực trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển; phối hợp với các lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu; thông báo và gọi hàng trăm nghìn lượt tàu thuyền và di dời hàng vạn lượt người vào nơi tránh bão an toàn. Bộ NN&PTNT và Bộ Tư lệnh BĐBP cũng phối hợp xây dựng, triển khai nhiều mô hình giúp dân, điển hình là chương trình “Bò giống cho người nghèo biên giới”, qua đó, bàn giao gần 25.000 con bò giống cho đồng bào nghèo, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bộ NN&PTNT kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tư lệnh BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản khu vực biên giới. Đề nghị Chính phủ cân đối bố trí đủ vốn trong kế hoạch thực hiện hợp phần ổn định đời sống dân cư theo Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư (trong đó có nội dung bố trí ổn định dân cư các xã biên giới), góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh BĐBP, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực biên giới, hạn chế di cư tự do, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh đất nước.

(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Sớm hoàn thành đường tuần tra biên giới

Lực lượng BĐBP hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biên giới, phạm vi quản lý, địa bàn rộng, trong điều kiện dọc tuyến biên giới phần lớn chưa có đường hoặc nếu có thì chủ yếu là đường đất, chỉ sử dụng được mùa khô. Vì vậy, BĐBP gặp rất nhiều trở ngại và vất vả khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới.

Hiện nay, hệ thống đường tuần tra biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc nhiều vị trí xuống cấp trầm trọng hoặc bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn giao thông trên biên giới. Đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương đã được bàn giao đường tuần tra biên giới có giải pháp khắc phục việc sạt lở nhằm bảo đảm giao thông được thông suốt, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Đối với đường tuần tra biên giới Tây Nam Bộ, đến hết năm 2018 đã được bố trí đủ vốn 100%, đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện để dự án sớm hoàn thành.

(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cần tập trung chỉ đạo một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; huy động nguồn lực góp phần xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường các biện pháp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

5c09e4af22f7c7bcaa000232
BĐBP Thừa Thiên Huế tuyên truyền ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản. Ảnh: Ngọc Bình

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thế trận lòng dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

(Ủy ban Dân tộc)

Phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý biên giới

Trong bối cảnh tình hình mới, cùng với việc quản lý đường biên giới đã được hoạch định và phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, chúng ta phải tiếp tục cùng phía Campuchia giải quyết nốt các vấn đề còn tồn đọng trong công tác phân giới, cắm mốc và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Các công việc này đòi hỏi sự phối kết hợp ngày càng chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng với trọng tâm: Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia. Đảm bảo sự nhất quán, toàn diện trong tuyên truyền về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia.

Bên cạnh đó, tham mưu, xây dựng chủ trương, đối sách của ta trong việc quản lý và bảo vệ biên giới, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trên cơ sở nguyên tắc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, biến đường biên giới thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tuần tra, kiểm soát, trinh sát nhằm nắm chắc tình hình, phát hiện, thông tin kịp thời các hoạt động của các lực lượng đối lập, các thế lực thù địch chống phá công tác phân giới, cắm mốc; kịp thời trao đổi những thông tin cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng phương án đàm phán, giải quyết những vấn đề tồn đọng và phát sinh ở các tuyến biên giới trên đất liền; đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời phục vụ công tác đấu tranh, tham mưu xây dựng, thực hiện chính sách góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển.

(Bộ Ngoại giao)

Bích Nguyên (lược ghi)

Bình luận

ZALO