Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Biên phòng - Sáng 21-5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân Ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Quốc hội Tờ trình Luật Biên phòng Việt Nam (LBPVN). Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) trong tình hình mới.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có BGQG, gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG). Đến nay, Việt Nam đã hoạch định, ký kết các hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới.

“Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai... Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng. Đặc biệt, dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, liên quan trực tiếp đến công tác biên phòng trong phòng, chống lây lan dịch bệnh qua biên giới. Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu.

Cũng theo đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ những vấn đề đã nêu, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết. Bởi trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”; đồng thời xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó xác định “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.

Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của BGQG, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Hiện nay, hoạt động trên biên giới, KVBG, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Pháp lệnh BĐBP mới điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP, chưa đề cập hết trách nhiệm của chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân và một số các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG. Do Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên một số quy định của Pháp lệnh liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP như: Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; phòng, chống khủng bố, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời Việt Nam.

Thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, BGQG nhưng nội dung chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

“BGQG là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG trong tình hình mới” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh thêm.

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 33 điều được bố cục như sau: Chương I. Những quy định chung, gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4); Chương II. Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 5 điều (từ Điều 5 đến Điều 9); Chương III. Hợp tác quốc tế về biên phòng, gồm 3 điều (từ Điều 10 đến Điều 12); Chương IV. Lực lượng BĐBP, gồm 9 điều (từ Điều 13 đến Điều 21); Chương V. Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, gồm 4 điều (từ Điều 22 đến Điều 25); Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 9 điều (từ Điều 26 đến Điều 32); Chương VII. Điều khoản thi hành: 1 điều (Điều 33).

Viết Hà

Bình luận

ZALO