Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 07:10 GMT+7

Thầy trò A Xan cùng vượt khó tới trường

Biên phòng - Sau đợt mưa lũ tàn phá nặng nề, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) gặp thêm nhiều khó khăn chồng chất. Bữa cơm của giáo viên và học sinh nhiều ngày liền chỉ có cá khô, trứng luộc, rau hoặc măng rừng khiến nhiều người ái ngại. Thế nhưng, thời tiết có khắc nghiệt, vật chất có thiếu thốn cũng không thể khuất phục được sự quyết tâm của những người gieo và tìm chữ nơi đây.

Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan. Ảnh: Trúc Hà

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan có gần 200 học sinh người Cơ Tu đang theo học, trong đó có 70 học sinh thuộc diện bán trú. Nói là bán trú nhưng các em ăn ở, sinh hoạt như học sinh nội trú bởi nhà xa trường học, học sinh cứ chiều Chủ nhật tới trường, chiều thứ 6 tuần tiếp theo về nhà. Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, học sinh học bán trú được hưởng 40% lương cơ bản, tức là mỗi em được hỗ trợ 600 nghìn đồng tiền ăn/tháng. Vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không đóng góp thêm được, nhà trường vì thế phải “cân đối” số tiền 18 nghìn đồng cho đủ 3 bữa sáng, trưa và tối của các trò nghèo.

Có lên vùng cao mới hiểu, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, giá lương thực, thực phẩm thường đắt hơn dưới xuôi vì công vận chuyển. Bữa ăn của học sinh vốn ít món vì mức tiền có hạn lại càng eo hẹp hơn vì giá cả vùng cao.

Cô A Lăng Rít, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan chia sẻ: “Học sinh vùng cao tội nghiệp lắm. Những đứa trẻ mới 8-9 tuổi đã phải rời vòng tay của bố mẹ sống tự lập, đi học cuối tuần mới về. Thế nên không chỉ tôi mà tất cả các thầy, cô trong trường đều thương các em như con của mình vậy. Gia đình các em hầu hết thuộc diện hộ nghèo, các em thiếu thốn đủ thứ. Cũng rất may, có những đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho học sinh, khi thì đôi dép, lúc là áo ấm, thỉnh thoảng được hỗ trợ lương thực nên cũng đỡ, nhất là trong tiết trời mùa Đông thế này”.

Tháng 10, tháng 11, bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, gây mưa lớn trên diện rộng, trong đó, huyện Tây Giang nói chung và xã A Xan nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Đường sá, cầu cống bị sạt lở, đường tắc, lương thực cũng vì thế không chỉ đắt đỏ mà còn khó mua. Dù rất cố gắng để cân đối nhưng bữa cơm của học sinh món chính chỉ là cá khô, nửa quả trứng luộc, rồi rau hoặc măng và thêm món canh.

Những đứa trẻ người Cơ Tu vốn sinh ra trong thiếu thốn nên không có khái niệm “đòi hỏi”, bởi vậy vẫn hồn nhiên, vô tư và đều khen ngon. Các thầy, cô giáo có lương, thế nhưng bữa cơm cũng không khá hơn là bao vì những ngày này, thực phẩm rất khó mua và “bữa cơm của học trò đạm bạc, thầy, cô cũng không thể mâm cao, món nhiều” như lời tâm sự của cô giáo A Lăng Rít.

Việc ăn đã thế, việc ở cũng rất khó khăn. Cơn bão số 5 và số 9 gây mưa to và kéo dài, cả xã A Xan có 5 điểm trường bị sạt lở. Chính quyền địa phương phải phối hợp với Đồn Biên phòng A Xan đưa các em học sinh từ khu nội trú vào lớp học để đảm bảo an toàn.

Thầy Nguyễn Tín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan chia sẻ: “Đường đi bị sạt lở, giáo viên và học sinh đi lại khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng duy trì đủ sĩ số, không để học sinh phải nghỉ học nhiều. Mưa to, lớp học, khu nội trú nhiều chỗ bị thấm dột, nước nguồn có khi đổ thẳng vào khu vực trường học, chúng tôi rất lo. Thế nhưng, 3 ngày sau cơn bão số 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan đã đón học sinh về trường”.

Nỗi niềm trăn trở của người đứng đầu nhà trường còn là bữa cơm của các em học sinh. 18 nghìn đồng nấu thành 3 bữa thì với khẩu phần ấy, học sinh không thể đủ chất để phát triển về thể chất. Bởi vậy, thầy Tín mong muốn các em có thêm nguồn hỗ trợ để bữa cơm ngon và đủ chất hơn.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan có tất cả 23 giáo viên, chủ yếu là từ miền xuôi lên đây dạy học. Biết bao nhiêu khó khăn, thế nhưng các thầy, cô vẫn bám trụ, dạy dỗ con em đồng bào. Đối với các thầy, cô nơi đây, chúng tôi luôn tin rằng, ai cũng vì mưu sinh nhưng trên cả là vì “yêu nghề, yêu trẻ” nên khó khăn đến mấy vẫn gắn bó với trường lớp. Có đi đến rồi mới biết, ngày lễ, Tết của thầy, cô vùng cao chẳng có gì ngoài lời ca, tiếng hát và những tình cảm của học trò rất đỗi chân thành. Các thầy, cô cũng chẳng mong hoa và quà, chỉ có chung một mong muốn là học sinh cố gắng, có điều kiện học cao hơn. Có thế, các em mới có cơ hội thay đổi cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng để làm được điều ấy thì trước mắt phải làm sao lo cho học sinh được cơm no, áo ấm mới không phải dở dang con đường học hành.

Chúng tôi chợt nhận ra, học sinh nơi đây thật may mắn vì được dìu dắt bởi những thầy, cô giáo đầy trách nhiệm, tâm huyết và tình yêu thương vô bờ bến. Điều ấy sẽ là điểm tựa để các em có thể bước tiếp trong hành trình tìm tri thức, tìm kiếm cơ hội để có cuộc sống tốt hơn.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO