Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Thầy thuốc quân hàm xanh trên miền biên viễn Sa Trầm

Biên phòng - Với Trung tá Lê Văn Đức (phụ trách Phòng khám quân dân y Ba Nang, BĐBP Quảng Trị) thì thành công của người y sĩ Biên phòng ở vùng cao biên giới là thay đổi nhận thức của đồng bào từ “ốm đau nhờ thầy cúng” sang “ốm thì tìm đến trạm xá, bệnh viện”. Gần 20 năm công tác ở biên giới cũng là ngần ấy thời gian Trung tá Lê Văn Đức “miệng nói tay làm” để thay đổi hủ tục vốn đã ăn sâu vào tâm thức của bà con nơi đây.

Trung tá Lê Văn Đức khám chữa bệnh cho người dân tại Phòng khám quân dân y Sa Trầm. Ảnh: Trúc Hà

Gắn bó với biên giới, đồng bào

Năm 1995, y sĩ Lê Văn Đức nhận quyết định công tác tại Đồn Biên phòng Sa Trầm (nay là Đồn Biên phòng Ba Nang). Khi ấy đường vào Sa Trầm (xã Ba Nang, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị) là những con đường mòn vắt qua núi. Đường sá xa xôi, cách trở, đời sống của người Vân Kiều nơi đây không chỉ đói nghèo mà còn bị ràng buộc bởi nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là mỗi khi ốm đau thì mời thầy cúng thay vì đi tìm thầy thuốc. Quyết tâm phá bỏ các rào cản lạc hậu, y sĩ Đức xuống từng bản khám chữa cho người dân bị bệnh.

Sự nhiệt tình, tâm huyết của người lính Biên phòng như lời “tuyên chiến” với hủ tục mê tín dị đoan, để sau này việc mời thầy cúng chỉ là “cột hồn” cho người ốm sau khi được thầy thuốc chữa khỏi như một nét văn hóa riêng của người Vân Kiều nơi đây.

Phòng khám quân dân y Sa Trầm nằm ngay trước cổng Đồn Biên phòng Ba Nang. Với 4 giường bệnh, phòng khám được phép điều trị lưu trú một số bệnh thông thường, với những trường hợp bị bệnh nặng, y sĩ tiến hành sơ cứu và chuyển lên tuyến trên. Quy mô nhỏ, nhân lực ít và nguồn thuốc cũng hạn chế, thế nhưng, suốt những năm qua, những y sĩ Biên phòng đã nỗ lực khám, chữa bệnh cho người dân và hơn cả là họ đã làm cho bà con tin tưởng vào y học hiện đại.

Ở thôn Đá Bàn, xã Ba Nang, ai cũng biết cậu bé Hồ Văn Đức được cha là Hồ Văn Viên đặt theo tên của y sĩ Lê Văn Đức. Sở dĩ có tên ấy là bởi khi anh Hồ Văn Viên mới 10 tuổi thì bị tai nạn. Tất cả mọi người đều nói, anh sẽ không thể có con được nữa. Biết tin, y sĩ Lê Văn Đức xuống tận nhà để thăm khám và nói chắc chắn: “Để tôi chữa cho cháu và đảm bảo sau này lớn lên vẫn có con như thường”. Bởi vậy mà 10 năm sau, Hồ Văn Viên lấy vợ và nhanh chóng sinh được cậu con trai, mừng quá, anh đặt tên con là Hồ Văn Đức.

Trung tá Lê Văn Đức chia sẻ: “Để người dân có ý thức “Ốm thì đi bệnh viện” như ngày hôm nay là cả quá trình dài kiên trì tuyên truyền, vận động người dân. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường xuống các bản để thăm bà con, đến tận nơi góp ý cho đồng bào về lối sống, ăn ở hợp vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh”. Sự tận tình và thực tế “uống thuốc của bộ đội Đức đều khỏi” là những chuyện mà người dân nơi đây vẫn kể khi nhắc đến người lính quân y này.

Thầy thuốc của tình hữu nghị

Cũng như nhiều cán bộ quân y tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Trung tá Lê Văn Đức đã nhiều lần khám, chữa bệnh cho người dân Lào ở những bản giáp biên giới. Như đã thành thông lệ, mỗi lần ốm đau, người dân các bản A Xóc, Hồ, Tà Riệp, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) đều sang khám chữa bệnh tại Việt Nam và những người lính quân y Đồn Biên phòng Ba Nang lúc nào cũng sẵn sàng khám, chữa bệnh miễn phí.

Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi năm, Trung tá Lê Văn Đức khám, chữa bệnh cho khoảng 200 lượt bệnh nhân là người Lào. Có lần, Trung tá Lê Văn Đức cấp cứu cho ông Ăm Hương, cán bộ Công an Lào về nghỉ hưu ở thôn A Xóc bị ngã gãy xương đùi. Lúc ấy, bà con ở A Xóc thay vì đưa ông Ăm Hương về bệnh viện trung tâm huyện Sa Muồi, họ chạy sang Đồn Biên phòng Ba Nang để nhờ giúp đỡ.

Nhận được tin, y sĩ Lê Văn Đức chỉ kịp khoác theo túi thuốc rồi cứ thế chạy bộ theo đường mòn về A Xóc. Sơ cứu và bảo mọi người chở ông Ăm Hương về huyện Sa Muồi xong xuôi, anh mới thấy đôi chân của mình rã rời và đau nhức.

Bà Y Dên thường tặng Trung tá Lê Văn Đức măng và rau rừng. Ảnh: Trúc Hà

Hay chuyện anh đã chữa cho Y Hoàng, ở bản A Xóc bị đau dạ dày nhưng người bệnh cứ nghĩ mình bị “ma”, “thuốc”. Trung tá Lê Văn Đức nhận định, Y Hoàng bị trầm cảm rồi không ăn uống nên cơ thể suy nhược, vì thế dạ dày càng đau nặng hơn. Anh nói với Y Hoàng rằng: “Trước tiên, phải tin tưởng tôi. Sau đó, cần xác định rằng, không thể điều trị một vài ngày mà phải có thời gian”. Y Hoàng đồng ý. Trung tá Lê Văn Đức đã truyền dịch, bảo người nhà nấu cháo loãng cho Y Hoàng ăn, rồi anh phát thuốc và yêu cầu Y Hoàng uống đúng giờ, đúng liều. Qua 2 tháng, cơ thể Y Hoàng dần ổn định, nhìn “có da có thịt” và không bị những cơn đau hành hạ nữa.

Chỉ còn vài tháng nữa, Trung tá Lê Văn Đức sẽ được nghỉ hưu theo chế độ. Mấy tháng nay, y sĩ, Đại úy Lê Văn Dự lên nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Ba Nang. Những lúc phòng khám đông bệnh nhân, anh cùng Trung tá Lê Văn Đức khám, chữa bệnh, dần làm quen với mọi người.

Đại úy Lê Văn Dự dành sự quan tâm đặc biệt đối với người bệnh. Đó không chỉ là việc kê đơn mà còn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà trong thời gian điều trị tại phòng khám. Có những lần, thấy bệnh nhân ăn đạm bạc, lo không đủ sức khỏe, đến bữa, anh Dự lại nấu thêm đồ ăn để chia cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân nhà ở xa, anh đã cho mượn bếp và dụng cụ để người nhà có thể nấu ăn đỡ tốn công đi lại.

Không khó để nhận ra, chính những việc làm nhân nghĩa của những thầy thuốc quân hàm xanh, tuy không lớn lao nhưng lại là những ân tình mà người dân sẽ mãi nhớ khi các anh làm việc ở đây cũng như lúc rời miền biên viễn này.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO