Biên phòng - Để khắc phục khoảng trống dịch vụ y tế phục vụ bà con dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai Chương trình kết hợp quân dân y (KHQDY), củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Qua đó, góp phần tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên.
Những “địa chỉ” tin cậy của dân bản
Ở vùng biên giới Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An, Trung úy Lê Khắc Hải được nhiều người dân dành cho tình cảm quý trọng, bởi lẽ anh luôn tận tụy chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Anh Hải là quân y của Đồn Biên phòng Na Ngoi, được tăng cường cho Trạm y tế xã Na Ngoi.
Không chỉ khám chữa bệnh cho nhân dân tại trạm y tế, anh Hải còn không quản ngày đêm, mưa nắng, đường sá xa xôi, có mặt kịp thời tại nhà dân khi họ bị đau ốm nặng. Có những trường hợp, nhờ anh xử lý kịp thời mà người bệnh không bị nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình như hồi đầu tháng 6-2018, thăm khám cho sản phụ Và Y Xì, 18 tuổi, chuẩn bị sinh con, anh Hải phát hiện thai nhi to, người mẹ sức khỏe yếu, huyết áp thai phụ cao; có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con. Anh đã chủ động hội ý với đội ngũ y, bác sĩ trong trạm và đề xuất phương án xử lý, giúp cho sản phụ Và Y Xì “vượt cạn” thành công, sinh hạ bé trai nặng 3,7kg.
Hơn 20 năm qua, công tác tại những bản làng giáp biên giới Việt-Lào, Thiếu tá, y sĩ Trần Xuân Phương, Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chứng kiến những thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men của Trạm quân dân y Phà Lõm, anh đã dùng tiền lương của mình mua bổ sung tủ thuốc.
Không chỉ vậy, y sĩ Phương còn chịu khó học hỏi, nói thành thạo ngôn ngữ của đồng bào Mông để thuận tiện khi thăm khám và điều trị bệnh cho bà con. Anh còn tìm hiểu thêm phác đồ điều trị mới đối với các bệnh mà đồng bào thường mắc và trồng thêm nhiều loại dược liệu quý để sử dụng điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều năm lăn lộn trên biên giới Kon Tum, Thượng úy Nguyễn Doãn Quân, quân y Đồn Biên phòng Mo Rai từ lâu đã trở thành “địa chỉ” khám chữa bệnh tin cậy của người dân biên giới. Điều đặc biệt là bệnh nhân của anh không chỉ có người dân Việt Nam mà còn cả những bệnh nhân đến từ đất nước Campuchia. Trong đó, có không ít người bệnh, nhờ anh cứu chữa mà vượt qua cơn “sinh tử”.
Đó là bệnh nhân Mạ Muông, bị sốt rét ác tính co giật gần 2 tiếng đồng hồ được anh cứu sống. Đó còn là 5 người dân Campuchia bị lật xe hồi tháng 3- 2018, với những vết thương rất nặng. Có người bị gãy chân, chảy máu nhiều, có biểu hiện bị choáng, có người tinh thần hoảng loạn. Chưa bao giờ đứng trước tình huống cấp bách, cùng lúc tiếp nhận nhiều bệnh nhân như vậy, nhưng anh Quân đã bình tĩnh sơ cứu, băng bó vết thương cho các nạn nhân trước khi chuyển lên tuyến trên. Nguyên một đêm thức trắng cứu chữa bệnh nhân, công sức của anh đã được đền đáp, khi các bệnh nhân đều không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Cánh tay đắc lực của ngành y tế
Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm cán bộ quân y BĐBP đang ngày đêm bám địa bàn chăm sóc sức khỏe cho người dân và bộ đội ở khu vực biên giới. Đến nay, ngành y tế đã phối hợp với BĐBP triển khai 152 phòng khám quân dân y tại các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, các phòng khám quân dân y thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào. Ngoài công tác khám chữa bệnh, quân y BĐBP còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động nhân dân các dân tộc xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ hủ tục, tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới. Bộ Y tế cũng phối hợp với BĐBP triển khai mô hình KHQDY cai nghiện ma túy trên địa bàn các xã biên giới tại 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh. Kết quả, mỗi năm đã cắt cơn nghiện ma túy cho hàng trăm lượt người, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các đối tượng sau cai nghiện, đưa người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ khám chữa bệnh cho người dân trong nước, quân y Biên phòng còn khám chữa bệnh cho người dân nước láng giềng. Trong đó, 2 phòng khám KHQDY được xây dựng trên đất bạn Lào (địa bàn đối diện với tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Điện Biên) hoạt động rất hiệu quả. Theo số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, 2 phòng khám trên đã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn người, được chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn hỗ trợ BĐBP xây dựng Phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An); Dinh Bà, Thường Phước (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp)..., bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.
Bộ Y tế cho biết, để bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực y tế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những năm qua, thông qua chương trình KHQDY, Học viện Quân y, các trường đại học y, dược trên toàn quốc đã đào tạo hàng trăm bác sĩ theo địa chỉ, tạo nguồn bác sĩ bổ sung cho tuyến y tế cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Từ năm 2007, Chương trình KHQDY đã bố trí kinh phí để Trường Trung cấp Quân y 1 mở lớp đào tạo chuyên khoa định hướng về sản, nhi, y tế cộng đồng cho hàng trăm cán bộ quân y Biên phòng. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP mở hàng chục lớp đào tạo kiến thức về y học gia đình cho hàng nghìn quân y của các đồn Biên phòng khu vực biên giới để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.
Xuân Hương