Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:33 GMT+7

Thầy giáo người Rục và “cuộc chiến” theo đuổi ước mơ

Biên phòng - Là người dân tộc Rục, thấu hiểu và thương các em nhỏ cùng quê thiếu học, Hồ Tiến Nam đã chịu khó học tập và trở thành người giáo viên đầu tiên của dân tộc mình dạy chữ cho các em nhỏ. Anh hiện là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

k07v_19b
Thầy Nam dạy chữ cho học trò của mình. Ảnh: Minh Đạt

Giấc mơ của cậu bé nghèo

Hồ Tiến Nam, sinh năm 1988, trong một gia đình có 8 anh chị em, ở xã miền núi Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Từ lúc tiếp xúc với con chữ, Nam tỏ ra là một cậu bé sáng dạ. Trong những năm tháng học tiểu học, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Sau khi lên cấp phổ thông cơ sở, Nam chuyển về trường dân tộc nội trú của huyện Minh Hóa học. Nhà cách xa trường, hằng ngày, Nam cùng các bạn băng rừng, vượt suối gần chục cây số để đến lớp học. Vì điều kiện đi lại khó khăn nên bạn bè của Nam lần lượt bỏ cuộc, chỉ còn Nam độc hành trên con đường tới trường. Nam tâm sự, đã có lúc nản chí, định buông xuôi, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ dân tộc thiểu số tội nghiệp, nghèo đến nỗi không đủ manh áo lành lặn để mặc, không có đôi dép để đến trường như mình nên anh lấy lại tinh thần và tiếp tục “cuộc chiến” theo đuổi ước mơ.

Năm 2008, Nam thi đỗ khoa Sư phạm Tiểu học, Đại học Quảng Bình. Dù không phải đóng học phí, nhưng nỗi lo về cơm ăn từng bữa, sách vở, giáo trình cũng khiến cậu sinh viên nhà nghèo rất chật vật. Nam kể: “Nhà nghèo, lại đông anh em nên không có đủ điều kiện chu cấp tiền ăn học cho tốt. Để trang trải cuộc sống sinh viên xa nhà, tôi đã phải gùi từng gùi sắn ra chợ tỉnh bán mới có tiền ăn học qua ngày”. 5 năm chật vật và thiếu thốn đủ thứ, nhưng bằng nghị lực hiếm có, thành quả đã mỉm cười với cậu sinh viên Hồ Tiến Nam.

Ra trường, anh được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Yên Hợp (nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa). Nhắc về việc chọn nghề giáo, anh kể rằng, những ngày còn là sinh viên sư phạm, anh từng nhìn thấy hình ảnh xúc động mà cho đến bây giờ, mọi thứ vẫn nguyên vẹn trong ký ức: “Mùa mưa lũ, ở quê tôi, có lúc các xã bị cô lập bởi nước dâng ngập những cây cầu qua các bản. Lúc đó, có 2 thầy giáo dưới xuôi lên đây cắm bản đã thay nhau cõng từng em học sinh qua suối, nước ngập đến ngang ngực. Hình ảnh xúc động ấy khiến tôi trân trọng nghề giáo”.

Nhận xét về giáo viên trường mình, thầy giáo Cao Tiến Thông, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa cho biết: “Thầy Nam trước đây cũng là học sinh trường này. Khi về công tác tại trường, thầy Nam là người địa phương, rất am hiểu tập quán, cách sống của học sinh ở đây nên truyền thụ kiến thức và giáo dục các em rất hiệu quả. Thầy đang là Chủ nhiệm các môn Mỹ thuật, Kỹ thuật, Thể dục. Thầy Nam luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình giảng dạy, cũng như trong việc phối hợp với nhà trường, BĐBP vận động học sinh đến lớp đều đặn”.

“Ngọn lửa sáng” của bản làng

Thầy giáo Hồ Tiến Nam kể, thời điểm nhận được tin con trai đỗ vào ngành sư phạm và sẽ trở thành thầy giáo trong tương lai, bố mẹ anh vui cái bụng lắm. Bởi thế hệ của họ chỉ quen sống trong hang đá, săn bắt hái lượm, không biết đến cái chữ, cuộc sống lay lắt nơi núi rừng. Năm 1959, trong một lần đi tuần tra, bà con dân tộc Rục được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng phát hiện và đưa về định canh, định cư. Ánh sáng văn minh được thắp lên từ đó. Thầy Nam tâm sự: “Là thầy giáo người Rục đầu tiên ở địa phương, mình cảm thấy rất tự hào. Bố mẹ và cả bản làng mình vui lắm, vì thằng bé con gầy gò năm nào giờ đã trở thành thầy giáo. Nhưng niềm vui lớn hơn là được dạy chữ cho các em cùng dân tộc trên chính quê hương, để các em có cuộc đời sáng sủa hơn”.

Không đơn giản chỉ là truyền đạt kiến thức cho học sinh, ở đây, những người thầy giáo như Nam phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, dân vận để các em được đến lớp. Việc thay đổi nhận thức, ý thức của đồng bào từ việc định canh, định cư hay phát triển tương lai con cái là điều không dễ dàng. Bao nhiêu năm nay, bao thế hệ thầy cô như anh vẫn lặng thầm bám trường, bám bản, nhưng để thay đổi được mọi thứ vẫn còn là chuyện lâu dài. Bản thân là người dân tộc thiểu số nên hơn ai hết, Nam hiểu tâm lý các em, ham học nhưng chưa thành thạo tiếng phổ thông, hay rụt rè.

Nhiều lần, thầy giáo Hồ Tiến Nam phải vượt rừng, lên rẫy thuyết phục các em trở lại trường. Nếu trước đây, cứ đi học được một buổi, các em nghỉ ngắt quãng với lý do ở nhà trông em nhỏ hoặc đi chặt củi, lên nương, rẫy phụ gia đình thì nay, sĩ số lên lớp đã đều đặn hơn. Quan sát cách anh ngồi kiên nhẫn nắn nót dạy chữ cho cậu trò nhỏ, cách các em học sinh quấn quýt bên thầy giáo, tôi hiểu ra rằng, tình yêu trọn vẹn của anh dành cho học trò là động lực thôi thúc các em tới trường.

Nguyên Bảo

Bình luận

ZALO