Biên phòng - Làn da rám nắng, gương mặt hiền khô với nụ cười luôn nở trên môi là ấn tượng đẹp mà Trung tá Mai Văn Sơn, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP Đà Nẵng để lại cho người đối thoại ngay lần gặp đầu tiên. 26 năm là lính Biên phòng, cũng ngần ấy năm Mai Văn Sơn cần mẫn trực tiếp đứng lớp và hướng dẫn các đơn vị thuộc BĐBP Đà Nẵng dạy xóa mù chữ cho nhân dân khu vực biên giới biển. Anh hạnh phúc khi được các học viên gọi là “Thầy giáo Biên phòng”.

Thầy và trò cùng U50
Hiện nay, tại Nhà cộng đồng khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), hằng tuần, vào các tối thứ hai, tư, sáu hoặc thứ ba, năm, bảy, lớp học của Trung tá Mai Văn Sơn vẫn đều đặn sáng đèn. Đây là lớp học đặc biệt, không giống như những lớp học bình thường khác. Lớp học thường bắt đầu từ 19 giờ tối đến 21 giờ. Thầy giáo đứng lớp là người lính mang quân hàm xanh, ban ngày làm nhiệm vụ chính trị, tối về lại miệt mài với phấn trắng, bảng đen. Còn học viên thì rất nhiều độ tuổi, có học viên đã trở thành ông, bà nội, ngoại, lớn tuổi ngang thầy giáo.
Dưới ánh điện, tiếng học viên học đánh vần, tập đọc, làm tính, không phải tiếng bi bô thường thấy của những em nhỏ mà là giọng đọc to, khỏe của những người từ 36 đến 50 tuổi. Trong 2 giờ, họ bỏ lại đằng sau những lo toan về cơm áo, gạo tiền của cuộc sống ban ngày để học đánh vần từng chữ, làm quen với những con số. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Sự nghèo khó ấy một phần do bà con không biết chữ để áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nghề biển. Cũng vì thiếu chữ mà bà con còn gặp rất nhiều khó khăn khác trong sinh hoạt hằng ngày. Điều đó đã thôi thúc Trung tá Mai Văn Sơn tham mưu với chỉ huy đơn vị mở lớp học xóa mù chữ cho bà con làng biển Kim Liên.
Tuy nhiên, hành trình đem cái chữ đến với người nghèo của thầy giáo quân hàm xanh Mai Văn Sơn cũng lắm gian nan. Mong muốn dạy xóa mù chữ của anh ban đầu không được người dân địa phương đón nhận. Ngược lại, họ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm và viện đủ mọi lý do để không đi học. Bởi, nhiều người do tuổi đã cao nên ngượng ngùng, mặc cảm. Người lại thoái thác do đi biển dài ngày, không có thời gian đi học.
Có những chị buôn thúng bán bưng than thở đi học thì lấy ai mà lo con cái, nhà cửa. Có người còn hỏi học để làm gì và cho rằng học rồi cũng chỉ đi biển thôi! “Ở làng biển này, người dân suy nghĩ đơn giản lắm, đâu cần biết chữ, chỉ cần biết đi biển là có tiền, biết làm nông là có thể sống. Bởi thế, công tác vận động người dân đến lớp những ngày đầu thật sự không dễ dàng” - Trung tá Mai Văn Sơn tâm sự.
Để vận động được các bậc phụ huynh mù chữ đến tham gia lớp học, Trung tá Sơn phải đi đến từng nhà, cố gắng thuyết phục. Thậm chí nhiều lần Trung tá Sơn bị họ nặng lời, không tiếp. Anh vẫn kiên nhẫn, miệt mài thuyết phục với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Cuối cùng, lòng kiên trì của Trung tá Mai Văn Sơn đã được đền đáp: Bà con dần dần xiêu lòng, đồng ý đến lớp học xóa mù chữ.
Lớp học có 12 học viên, nhưng ít khi học viên đi học đủ, thường chỉ từ 6 đến 8 người có mặt. Thời gian đầu, Trung tá Sơn phải cầm tay nắn từng nét chữ cho các học viên lớn tuổi mà đôi tay chỉ quen cầm cày, cuốc, làm nghề biển, nên cầm bút viết trên giấy trắng là một việc khó khăn đối với họ. Anh kiên trì, tận tình hướng dẫn học viên đến khi viết chữ thành thạo. Nhìn nụ cười trên gương mặt học viên khi tự mình viết được tên mình, đánh vần đọc được chữ, Trung tá Sơn cũng vui lây. Hằng tháng, hằng quý, Trung tá Sơn phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức kiểm tra để đánh giá chất lượng theo từng mức học của học viên.
Dạy xóa mù chữ đến khi nghỉ hưu
Trung tá Mai Văn Sơn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Biên phòng, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Non Nước, BĐBP Đà Nẵng. Tại đây, anh được phân công giữ chức Đội phó Đội Vận động quần chúng. Từ đó, anh trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau như Đồn Biên phòng Phú Lộc, Phòng Chính trị (BĐBP Đà Nẵng) và hiện là Đồn Biên phòng Hải Vân. Dù công tác ở đơn vị nào, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, anh cũng đau đáu với việc mang con chữ tới người dân ở những địa bàn còn nhiều khó khăn.
Những ngày đầu về công tác tại Đồn Biên phòng Non Nước, Mai Văn Sơn là cán bộ trẻ mới ra trường. Anh được phân công phụ trách địa bàn ven biển. Ở đó, những gia đình sống nhờ nghề biển thì hằng ngày người lớn tất bật với cuộc mưu sinh, chẳng ai nghĩ tới chuyện học hành của con cái. Xuất phát từ tình hình thực tế địa bàn dân cư, Trung tá Mai Văn Sơn đã tham mưu cho chỉ huy đơn vị mở lớp xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho bà con.
Trung tá Mai Văn Sơn là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ BĐBP được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2017. Chương trình này do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức, nhằm tuyên dương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo.
Từ đó, anh trở thành thầy giáo mang quân hàm xanh. Nhớ những ngày đầu dạy xóa mù chữ, Trung tá Mai Văn Sơn kể: “Lần đầu tiên đứng lớp, khi ấy, tôi vừa tốt nghiệp ra trường. Trước học viên toàn những người lớn tuổi hơn mình, phải nói là rất run”. Bên cạnh những học viên lớn tuổi, lớp học của Trung tá Mai Văn Sơn còn có các cháu nhỏ sinh sống tại những căn nhà chồ (nhà sàn trên sông) dọc hai bờ sông Hàn, tuy đã đến tuổi đi học, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đến trường, cũng được anh vận động chèo thuyền thúng đi học lớp xóa mù chữ. Có những trẻ em bị dị tật bẩm sinh, khuyết tật không thể đến lớp, anh đã chèo ghe, tìm đến tận nơi để dạy riêng. Đó là những năm từ 1992 đến 1999.
26 năm trong quân ngũ, cũng từng ấy năm Trung tá Mai Văn Sơn tất bật đứng lớp hoặc đảm nhiệm công tác hướng dẫn, quản lý công tác xóa mù chữ của các đơn vị Biên phòng của thành phố Đà Nẵng, khi chuyển công tác về Phòng Chính trị, BĐBP Đà Nẵng.
Trong thời gian trực tiếp đứng lớp, người lính mang quân hàm xanh này đã xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho khoảng 200 học viên. Dù chỉ còn 3 năm nữa là tới tuổi nghỉ hưu, Trung tá Mai Văn Sơn vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Anh mong có thể dạy xóa mù chữ đến ngày cuối cùng của đời quân ngũ.
Thanh Thuận