Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Thấy gì qua những con số?

Biên phòng - Ngày 17-11 vừa qua, người dân cả nước đã có dịp chia sẻ những nỗi đau, mất mát với các gia đình nạn nhân trong Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung của toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông (ATGT) và cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn do TNGT gây ra.

Nhưng làm sao để cảnh báo người dân thấy được TNGT là hậu quả rất nghiêm trọng để người ta sợ, người ta ngán mà chấp hành. Làm sao vừa cảnh báo nhưng vẫn nâng cao được nhận thức của người tham gia giao thông để người dân tự giác chấp hành luật giao thông? - Vẫn là câu hỏi nhức nhối đặt ra cho các cấp, các ngành, các nhà quản lý và mỗi người dân.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, 10 tháng của năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ TNGT, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2018. Mỗi ngày, TNGT gây thiệt hại từ 350 đến 500 tỷ đồng cho nước ta.

Còn trên phạm vi thế giới, cứ mỗi 20 giây thì có một người tử vong vì TNGT, làm thiệt hại 2% tổng GDP (khoảng 1.500 tỷ USD). Nếu so sánh với các cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì hậu quả mà TNGT gây ra lớn hơn rất nhiều.

TNGT không chỉ là nỗi đau của các nạn nhân, các gia đình, mà còn là gánh nặng của xã hội và nền kinh tế. Bởi, hầu hết nạn nhân tử vong vì TNGT trong độ tuổi từ 18 đến 55. Họ là trụ cột của gia đình, những người năng động nhất trong xã hội, là lực lượng chính đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn cả về tinh thần lẫn sự phát triển của xã hội.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc giảm thiểu và hạn chế TNGT, nhất là sự chuyển biến nhận thức của một bộ phận lớn người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những số liệu báo cáo về tình hình ATGT của các địa phương, các bộ, ngành không thực sự phản ánh đúng thực tế. Vì không ít địa phương giấu số liệu TNGT, do “bệnh thành tích” và sợ liên đới trách nhiệm. Không ít nơi chỉ thống kê số người chết TNGT ở đường, còn đưa vào viện mới chết lại đưa ra lý do khác...

Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế rằng ý thức của người tham gia giao thông chưa chuyển biến căn cơ, bền vững, thể hiện qua cách hành xử bon chen, thiếu văn hóa hay uống rượu, bia khi tham gia giao thông của nhiều người. Bên cạnh đó là những yếu kém trong quản lý từ khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe và quản lý phương tiện, cũng như hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ khiến cho tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp.

Do vậy, những con số thống kê về TNGT cần đảm bảo tính minh bạch và chính xác để đánh giá được hiệu quả của các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đang triển khai, từ đó đề ra những kế hoạch ứng phó cụ thể.

Chúng ta hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ” bằng chuỗi các hoạt động tưởng niệm thể hiện sự tiếc thương dành cho những người không may. Tuy nhiên, cần phải biến sự thương tiếc ấy thành động lực mạnh mẽ, để cùng nghĩ và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế thấp nhất TNGT, mang đến sự an toàn cho xã hội.

Chỉ có việc chấp hành tuyệt đối pháp luật về ATGT, nâng cao hơn nữa ý thức khi ra đường, nói không với tất cả những hành vi tiêu cực trong hoạt động giao thông... mới có thể mang đến sự an toàn cho mình và cả cộng đồng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO