Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:18 GMT+7

Chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”:

“Thay đổi nhận thức, rèn luyện hành động chuẩn mực”

Biên phòng - Đó là khẳng định của Đại tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chính ủy Học viện Biên phòng (HVBP) với phóng viên Báo Biên phòng bên lề Hội nghị tổng kết và trao giải Cuộc thi “Nhận thức về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật và đề xuất biện pháp phòng ngừa vi phạm trong BĐBP” được HVBP tổ chức cuối tháng 4/2023 vừa qua.

Đại tá Nguyễn Xuân Bách trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho các tập thể đoạt giải trong cuộc thi. Ảnh: Viết Nhân

Cùng với các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP, HVBP đã triển khai sâu rộng Cuộc thi “Nhận thức về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật và đề xuất biện pháp phòng ngừa vi phạm trong BĐBP” cấp Học viện năm 2023 (gọi tắt là cuộc thi). Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Vũ Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Chính trị HVBP cho biết: Ngay sau khi có Kế hoạch của Cục Chính trị BĐBP, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã bổ sung vào kết luận lãnh đạo của Đảng ủy, xây dựng kế hoạch phát động cuộc thi, tổ chức tập huấn Ban Tổ chức, Ban Giám khảo để tổ chức triển khai sâu rộng.

“Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để lãnh đạo, chỉ huy các cấp rút kinh nghiệm về hình thức, phương pháp tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, phong trào, cách làm sáng tạo, hiệu quả về quán triệt, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kỷ luật và đảm bảo an toàn trong đơn vị”.- Đại tá Nguyễn Xuân Bách nhấn mạnh

HVBP xác định, cuộc thi là dịp củng cố, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, học tập pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định đảm bảo an toàn, nhất là đảm bảo an toàn giao thông. Qua đó, giúp cán bộ giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ có nhận thức đầy đủ hơn về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật; nâng cao trách nhiệm trong học tập, công tác, tự giác rèn luyện, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; giảm thiểu tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật và đảm bảo an toàn trong tham gia giao thông; góp phần xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Cuộc thi gồm các câu hỏi do Cục Chính trị BĐBP ban hành, dưới hình thức thi viết tay. Nội dung câu hỏi xoay quanh vấn đề chấp hành kỷ luật và pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông và kêu gọi trí tuệ của các tập thể, cá nhân nhằm hiến kế các giải pháp giảm thiểu vi phạm kỷ luật trong đơn vị.

Các bài dự thi đã bám sát nội dung câu hỏi, đưa ra nhiều cách giải quyết vấn đề đa dạng, phong phú, trình bày theo bố cục phần mở đầu, phần trả lời các câu hỏi tự luận, phần kết luận và các thông tin, tư liệu tham khảo. Nhiều bài dự thi có phần liên hệ chặt chẽ với tình hình thực tế trong việc duy trì chấp hành kỷ luật, pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông của BĐBP và HVBP.

Mặc dù viết tay, song nhiều bài dự thi có cách trình bày công phu, sáng tạo, nhiều bài thi được bổ sung hình ảnh minh họa sinh động đi kèm các mô hình trực quan sát với biểu tượng, hình ảnh đảm bảo an toàn giao thông mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự tâm huyết và sáng tạo của người dự thi.

Trung tá Nguyễn Thị Thập, Trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị cho biết: “Cuộc thi là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Ngoài nội dung được quy định trong các văn bản luật, bản thân tôi đã nghiên cứu các tài liệu, các văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh và Ban Giám đốc Học viện đưa vào để bài thi thêm phong phú, sinh động”.

Thông qua bài thi, các tác giả đề xuất nhiều giải pháp tối ưu nhằm đổi mới công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật. Theo đó, hoạt động giáo dục, tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể, nhằm đạt hiệu quả thiết thực. Thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm chắc, trung thực và chính xác tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật, an toàn giao thông; phân tích, đánh giá, dự báo, định hướng đúng suy nghĩ và hành động của bộ đội; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; củng cố tình yêu thương con người, đồng chí, đồng đội. Cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt phải được bồi dưỡng về phương pháp, kinh nghiệm giải quyết những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh trong thực tiễn quản lý, giáo dục đơn vị.

Câu hỏi thứ 4 trong bộ đề thi là điểm nhấn của toàn bài thi. Câu hỏi mang tính mở đã kêu gọi, huy động được nhiều trí tuệ của các tập thể, cá nhân nhằm hiến kế các giải pháp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật và đề xuất biện pháp phòng ngừa vi phạm trong cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng.

Các bài dự thi đã đề ra giải pháp đề nghị thay đổi công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng ý thức chấp hành kỷ luật, nâng cao trách nhiệm,kiểm tra hệ thống kỹ thuật phương tiệncủa cán bộ, chiến sĩ khi tham gia giao thông, tổ chức hội thao lái xe an toàn trong lực lượng BĐBP, xây dựng vị trí luyện tập đảm bảo an toàn giao thông, các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy...

Ngoài ra, các bài thi đã thể hiện sâu sắc quyết tâm của mỗi cá nhân trong việc chấp hành kỷ luật, pháp luật và đảm bảo an toàn, động viên đồng chí, đồng đội chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội và quy định của đơn vị, cùng góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Binh nhất Nguyễn Văn Việt, học viên Đại hội 15, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Từ thực tế việc tham gia giao thông của đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ nói chung và học viên HVBP nói riêng, trong bài thi của mình, tôi đã hiến kế cho Ban Tổ chức, chỉ huy các cấp các giải pháp nhằm hạn chế việc hạ sĩ quan, chiến sĩ trực tiếp điều khiển xe máy, ô tô. Thông qua việc giữ mối quan hệ của chỉ huy đơn vị đối với địa phương để địa phương ủng hộ các quy định của đơn vị. Không cho đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ mượn xe máy để sử dụng”.

Mai Viết Nhân

Bình luận

ZALO