Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Thay đổi hướng tiếp cận để đạt hiệu quả hơn

Biên phòng - Việt Nam đã đạt được những thành tích giảm nghèo đáng kinh ngạc trong giai đoạn vừa qua. Điều đó là do Việt Nam đã có những cách tiếp cận giảm nghèo đúng hướng khi chuyển từ tiêu chí đo lường nghèo theo thu nhập sang thước đo đa chiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn tới, vẫn cần phải có những thay đổi trong cách tiếp cận để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.

160g_13a
Khu vực DTTS và miền núi hiện vẫn là lõi nghèo của cả nước, cần có những chính sách để giảm nghèo bền vững hơn. Ảnh: An Nhiên 

Thành tích giảm nghèo của Việt Nam ở tầm thế giới

Đánh giá về kết quả giảm nghèo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, quyền Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đó là “thành công ở tầm thế giới”. Theo bà, Việt Nam đạt được thành công, được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; và các chương trình mục tiêu, chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.

Thực tế, tỉ lệ nghèo (tính theo chi tiêu thu nhập) đã giảm mạnh từ 57% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014. Trước đó, năm 2006, Việt Nam hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn. 

Năm 2015 đánh dấu một hướng tiếp cận mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo khi Chính phủ Việt Nam ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Điều này đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều với những tiêu chí cao hơn trước đây, được xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.

Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững. Điều đặc biệt là hầu hết các chính sách đó không phải là chính sách mới mà đã được duy trì từ giai đoạn trước, với những điều chỉnh phù hợp. Cùng với tăng trưởng kinh tế mang tính bao trùm, những chương trình, chính sách này đã góp phần giúp nước ta giảm nghèo ấn tượng. 

Minh chứng cụ thể là trong hai năm 2016, 2017, tỉ lệ nghèo bình quân của cả nước đã giảm 1,8%, cao hơn mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), bình quân tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 29%. Có 52/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; 8/64 huyện thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. 

v8sd_13b
Phát triển việc trồng cây công nghiệp giá trị cao như điều, cà phê có thể nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS. Ảnh: An Nhiên

Một điểm sáng nữa là tỉ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số (DTTS) giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên việc giảm nghèo ở các DTTS tác động đến tỉ lệ giảm nghèo chung của cả nước. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (NHTG) tại Việt Nam đánh giá: "Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỉ lệ nghèo trong các DTTS tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các DTTS có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài".  

Tích hợp các chính sách 

Dù đạt được những thành tựu trên, nhưng tình trạng giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, tỉ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ. 72% người nghèo ở Việt Nam là người DTTS. Bên cạnh đó, khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững số 1 “giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi”. Tỉ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. 

Phân tích về hệ thống chính sách, có thể nhận thấy, một số chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, mang tính bình quân, thời gian đầu có tác dụng tốt, giải quyết được một số khó khăn trước mắt cho người dân, tuy nhiên, đến nay không còn phù hợp. Trong khi khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào DTTS còn hạn chế.

Đại diện NHTG cho biết, một trong những lĩnh vực ưu tiên trong Khung đối tác quốc gia của Nhóm NHTG với Việt Nam giai đoạn 2018-2022 là tăng trưởng bao trùm, với mục tiêu cụ thể là "hội nhập kinh tế cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương". Theo đó, NHTG sẽ hỗ trợ can thiệp có mục tiêu để tạo cơ hội kinh tế cho người dân ở các khu vực bị tụt hậu. NHTG cũng cho rằng chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao có thể nâng cao thu nhập cho các DTTS, giảm tỉ lệ nghèo ở khu vực này.

Trong khi đó, để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc, bà Wiesen cho rằng, việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào DTTS cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường.

Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025, nhưng phải đổi mới phương pháp tiếp cận, các cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá... nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xóa nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Trong đó, cần tích hợp các chính sách hiện có và ưu tiên đầu tư cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng nhiều đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo ở vùng DTTS...

An Nhiên

Bình luận

ZALO