Biên phòng - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhờ đó, vấn đề BĐG có nhiều chuyển biến theo hướng tiến bộ. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về BĐG ở vùng DTTS cần được quan tâm, bảo đảm thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Theo báo cáo tham luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau”, phụ nữ DTTS ít được tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, có tới 83,81% việc làm của lao động nữ DTTS là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp, so với tỷ lệ tương ứng của nam DTTS là 79,16% và dân tộc Kinh là 40,72%; tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 so với dân tộc Kinh. Họ ít được tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến người DTTS... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ DTTS thường xuyên phải lao động cực nhọc, nhưng không được trả công. Chỉ có khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (trong khi phụ nữ Kinh là 56%). Sự phân công lao động theo xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới gây bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động, phụ nữ thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định.
Nhiều phụ nữ DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết (một số DTTS có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp, như: Lự 23,22%, La Hủ 25,1%...); chỉ có 33% nữ sinh DTTS đi học phổ thông trung học đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái người DTTS còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về giới như: Tỷ lệ tảo hôn cao, lên tới 27,1%; có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 - 40%... Thống kê cho thấy, 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà chiếm tới 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (H,mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh, Hoa; chỉ có 70,9% phụ nữ DTTS từ 12 - 29 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai. Bạo lực trên cơ sở giới cũng là một vấn đề nổi cộm. Bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ. Theo nghiên cứu, bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do người chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên. Bên cạnh nguyên nhân khách quan về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề địa lý tự nhiên, do trình độ dân trí khu vực miền núi thấp hơn các vùng khác và mặt bằng giáo dục không cao, phong tục tập quán lạc hậu thì còn nguyên nhân liên quan tới nhận thức của các cấp, các ngành và hơn hết là chính sách về BĐG đối với DTTS.
Trong tham luận “Một số vấn đề cơ bản về BĐG vùng DTTS nước ta và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa đề cập: Nhìn lại tổng thể các chính sách hiện hành cho thấy, nhiều chính sách chưa được quan tâm lồng ghép giới, hoặc nếu có lồng ghép giới thì mờ nhạt, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của phụ nữ và nam giới, dẫn đến những hạn chế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ những chính sách này. Qua rà soát 118 chính sách được ban hành bao trùm các lĩnh vực ở vùng DTTS trong số 12 chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm ở vùng DTTS, mới chỉ có 4 chính sách có đề cập hoặc xác định rõ các tiêu chí đánh giá BĐG. Đối với các chính sách giáo dục vẫn còn khá nhiều khoảng trống trong vấn đề BĐG vì thiếu các chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các học sinh nữ DTTS đặc biệt khó khăn. Về lĩnh vực y tế, các chính sách về cơ bản thúc đẩy rõ nét tỷ lệ tham gia khám, chữa bệnh của người DTTS. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ trực tiếp phụ nữ DTTS do thiếu nguồn lực nên phần lớn chị em phụ nữ DTTS vẫn chưa được hưởng lợi...
Về mặt quản lý Nhà nước về BĐG, qua khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho thấy, đến nay, cơ bản các tỉnh đều có bộ phận chuyên trách về BĐG. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chuyên trách về BĐG còn thiếu và chưa ổn định, đặc biệt ở cấp huyện. Ở cấp xã thì phải kiêm nhiệm hoàn toàn. Thêm vào đó, là tình trạng thiếu nguồn số liệu thống kê tách biệt theo các dân tộc và giới tính, vì thế, công tác nhận diện, đánh giá về thực trạng BĐG vùng DTTS còn nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế trong xây dựng chính sách về BĐG.
Mới đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt. Đáng chú ý, theo quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình có nội dung: Xác định rõ quan điểm cần lồng ghép, đảm bảo BĐG trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện BĐG. Chương trình đặt ra các mục tiêu nâng cao nhận thức xóa bỏ định kiến, chuyển đổi hành vi trong đồng bào DTTS và đội ngũ cán bộ các cấp về BĐG, tập trung nguồn lực để giải quyết căn bản một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ, trẻ em gái (thiếu kiến thức, kỹ năng sống; mù chữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ thiếu an toàn, bạo lực gia đình, mua bán người...) nhằm thực hiện mục tiêu BĐG vùng DTTS miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, trong giai đoạn mới, chính sách BĐG cần phải phát huy nội lực của phụ nữ DTTS, hỗ trợ và giúp đỡ họ không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bị tách biệt với xã hội mà vươn lên, tự chủ trong cuộc sống của mình. Phụ nữ DTTS cần được hưởng lợi trong quá trình phát triển từ những quyền được tiếp cận thông tin, quyền được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội và cộng đồng, được tiếp cận một cách đầy đủ các dịch vụ thiết yếu trong đời sống xã hội như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, các chính sách liên quan đến thúc đẩy BĐG vùng DTTS cần được rà soát, sắp xếp lại, tránh sự dàn trải.
Linh Đan