Biên phòng - Bất chấp việc Taliban từ chối kéo dài lệnh ngừng bắn, ngày 17-6, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vẫn quyết định kéo dài lệnh ngừng bắn đơn phương với phiến quân Taliban thêm 10 ngày. Đây là nỗ lực của nhà lãnh đạo Afghanistan nhằm mang lại hòa bình ở quốc gia Nam Á này.

Trong suốt 17 năm qua, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với mục tiêu đầu tiên là lực lượng Taliban ở Afghanistan, người dân ở quốc gia Nam Á mới có được một ngày lễ Eid al-Fitr (17-6) đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vui đến như vậy. Tại thủ đô Kabul, nhiều người dân không giấu nổi sự ngạc nhiên và vui mừng trước việc nhiều tay súng Taliban xuất hiện trên các con phố bên cạnh binh lính chính phủ.
Để có được ngày lễ trọn vẹn này có sự nỗ lực không nhỏ của chính quyền Afghanistan và Taliban cũng như cá nhân Tổng thống Ashraf Ghani. Trước đó, ngày 7-6, Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố Chính phủ Afghanistan sẽ ngừng bắn với phiến quân Taliban nhân dịp lễ Eid al-Fitr. Theo đó, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12 đến 19-6. Trong khi đó, Taliban tuyên bố chỉ ngừng bắn 3 ngày (từ ngày 15 đến 17-6).
Hình ảnh lính Taliban và lính chính phủ ôm, chào đón nhau một cách thân thiện xuất hiện với tần suất chóng mặt trên mạng xã hội trong những ngày 16 và 17-6 chính là động lực để ông Ashraf Ghani quyết định kéo dài lệnh ngừng bắn đơn phương với phiến quân Taliban thêm 10 ngày, dù phía Taliban khẳng định sẽ không kéo dài lệnh ngừng bắn. "Lệnh ngừng bắn kết thúc vào tối 17-6 và các hoạt động của chúng tôi sẽ bắt đầu trở lại. Taliban không có ý định kéo dài lệnh ngừng bắn", người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói.
Giới phân tích cho rằng, việc Taliban chấp nhận lệnh ngừng bắn có thời hạn cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, cả Taliban và chính phủ Afghanistan đều mong muốn chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua. Tổng thống Ghani đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn với Taliban, nhưng đây là lần đầu tiên ông đưa ra một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2014.
Về phía Taliban, thỏa thuận trên đánh dấu lần đầu tiên nhóm phiến quân này đề xuất ngừng bắn với lực lượng chính phủ kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện tại đây năm 2001. Các thủ lĩnh Taliban đã có một số lần bày tỏ mong muốn tiến hành các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Afghanistan. Tuy nhiên, lực lượng này từ chối đàm phán với chính phủ quốc gia Tây Nam Á được Mỹ hậu thuẫn, yêu cầu chỉ đàm phán trực tiếp với Mỹ và rút tất cả các lực lượng nước ngoài ra khỏi Afghanistan.
Trong một tuyên bố ngày 17-6, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn "lịch sử" giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban trong dịp lễ Eid al-Fitr. Bà Mogherini nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn này giúp người dân Afghanistan có được một khoảng thời gian yên bình sau 17 năm xung đột triền miên. Theo bà, việc các quan chức và binh lính chính phủ, các tay súng Taliban chúc mừng nhau trong dịp lễ Eid al-Fitr và cùng nhau cầu nguyện cho thấy sự ủng hộ rộng rãi đối với thỏa thuận ngừng bắn nói trên và đã phác thảo "hình hài" của một nền hòa bình tại Afghanistan.
Ấn Độ ngày 17-6 đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn do Tổng thống Ashraf Ghani công bố, cho rằng điều này dự kiến sẽ giúp kiềm chế được chủ nghĩa khủng bố và tình trạng bạo lực liên quan ở nước này. Ấn Độ cũng bày tỏ sự ủng hộ hòa bình và hòa giải ở Afghanistan và "xây dựng một quốc gia Afghanistan hòa bình, an toàn, toàn diện, thịnh vượng, thống nhất và đa nguyên".
Thu Uyên