Biên phòng - Kể từ khi trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình, cuộc sống của 2 cậu bé tộc người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là Đinh Mắn và Đinh Văn trở nên đặc biệt hơn bởi từ đây các em đã trở thành những chiến sĩ nhỏ. Tuổi thơ của các em giờ đây là chuỗi ngày với 3 bữa cơm no, được cắp sách đến trường và lớn lên trong tình yêu thương, trách nhiệm của những người cha, người chú Biên phòng.

Ở điểm trường bản 61
Điểm trường bản 61 (thuộc Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) nằm ở cuối con đường lịch sử 20 - Quyết Thắng, tiếp giáp với nước bạn Lào. Xa xôi, cách trở ở tít miền biên viễn, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân nên điểm trường nhìn khang trang với dãy nhà xây, nhà lắp ghép bằng tôn rất chắc chắn và đồ chơi ngoài trời cũng rất đầy đủ. Thầy, cô nào cũng đều có nhà ở miền xuôi, vì công tác mà bám trụ ở miền biên giới này cả chục năm có lẻ. Lịch học ở đây khác hẳn những nơi mà chúng tôi đã từng đến. Vì xa xôi cách trở, thời tiết lại khắc nghiệt nên cấp trên tạo điều kiện cho các thầy cô cứ dạy học 10 ngày thì nghỉ 4 ngày, thay vì dạy từ thứ 2 đến thứ 6 rồi nghỉ thứ 7, Chủ nhật, vì: “Có như vậy mới đủ thời gian để về thăm nhà mỗi tháng 1 lần”.
Có khách đến thăm, thầy, cô ở điểm trường vui lắm, đặc biệt khách lại là BĐBP. Mọi người hào hứng hỏi: “Các anh, chị đến thăm con của đồn không?”. Hóa ra, 2 cậu con nuôi của Đồn Biên phòng Cà Roòng tên là Đinh Mắn và Đinh Văn đang học tại điểm trường. Cô Nguyễn Thị Bích Ngân là giáo viên chủ nhiệm của Đinh Mắn, như được dịp liền “khoe” về cậu học trò nhỏ của mình. Đinh Mắn không chỉ làm toán giỏi, mà còn đọc rất tốt, chữ thì rất đẹp. Năm ngoái, Mắn đi thi vở sạch, chữ đẹp được giải Nhì cấp huyện, điều mà từ trước đến nay chưa có ai ở đây làm được. Cô Ngân hỏi, Mắn muốn đọc gì tặng các cô chú, cậu bé có nước da nâu và đôi mắt to tròn đã không ngần ngại: “Cháu sẽ đọc bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ”. Cô Ngân bảo, nhiều năm trong nghề giáo, đây là lần đầu tiên cô thấy cậu bé Ma Coong này tuy sức khỏe không tốt, nhưng trong sức vóc có hạn ấy lại ẩn hiện một sức mạnh to lớn mà không phải ai cũng có được.
Thầy Nguyễn Văn Tâm cũng gắn bó với mảnh đất Thượng Trạch từ khi còn là thanh niên. Thầy về điểm trường bản 61 cùng thời gian mà Đinh Văn được nhận làm con nuôi của Đồn Biên phòng Cà Roòng. Đầu năm học, Trung tá, Đồn trưởng Võ Đình Thuần và Trung tá, Chính trị viên Nguyễn Chí Thanh đều đã đến gặp gỡ, nhờ thầy quan tâm, dạy dỗ cháu. Lúc ấy, thầy Tâm mới biết hoàn cảnh khó khăn của cậu học sinh với đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống. Bố Đinh Văn bỏ đi từ lâu, một mình mẹ nuôi 3 chị em. Nương ít, lại không có trâu bò nên nhà Đinh Văn nghèo nhất bản. Đinh Văn không phải là học sinh giỏi nhất lớp, nhưng bù lại cậu bé luôn chăm chỉ và kiên trì “đúng kiểu con nhà lính”. Đinh Văn hay ngồi một mình, thầy Tâm hỏi sao không chơi với bạn, em trả lời, “nhớ mẹ, thương em”. Những lúc ấy, thầy Tâm lại động viên: “Học cho giỏi, sau này mới có điều kiện để giúp em và mẹ”. Khi chia tay, tôi nói với thầy Tâm: “Mong thầy quan tâm đến cháu Văn để cháu có thêm cơ hội”. Thầy Tâm bật cười nói: “Chưa có người lính Biên phòng nào khi gặp tôi mà lại không nói câu đấy. Thế thì Đinh Văn là con của tất cả những người lính Biên phòng chứ đâu phải của riêng Đồn Biên phòng Cà Roòng”.
Gia đình của Mắn và Văn
Bố mẹ Đinh Mắn là anh Đinh Khứa và chị Y Đụi nhà ở ngay bản 61, cạnh Đồn Biên phòng Cà Roòng. Cả hai mới hơn 30 tuổi nhưng có tới 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới vừa đầy 1 tuổi. Chịu khó làm nương, nuôi bò, nhưng nhà đông con lại cứ nay ốm mai đau nên 2 vợ chồng cố gắng mấy cũng không khá giả nổi. Đinh Mắn năm trước phải mổ, tưởng không qua khỏi, bởi vậy mà nhỏ nhất so với các bạn trong lớp. Từ ngày về đồn ở, ngày ăn 3 bữa cơm, lại ngủ đúng giờ nên sức khỏe của Đinh Mắn tiến bộ rõ rệt. Hỏi chị Y Đụi, có nhớ Đinh Mắn không? Chị trả lời bằng tiếng phổ thông lơ lớ, ánh mắt hiện rõ niềm vui, mang cả hy vọng trong đó: “Xa con thì nhớ và thương, nhưng ở với các chú Biên phòng thì tốt hơn ở nhà”.

Ở Đồn Biên phòng Cà Roòng, 2 anh em Đinh Văn và Đinh Mắn được bố trí ngủ phòng riêng ở dãy nhà cấp đội. 2 chiếc giường kê ngay ngắn, có bàn học tập với đèn điện sáng chưng và khá nhiều đồ chơi. Với kết quả học tập như thầy Tâm, cô Ngân nói thì tôi tin rằng, các chú Biên phòng không phải kèm cặp nhiều. Trung tá Võ Đình Thuần chia sẻ: Học hành là quan trọng, nhưng cũng phải cho các cháu có tuổi thơ với đồ chơi, kẹo bánh. Chúng tôi cũng hướng dẫn các cháu biết lo cuộc sống tự lập, khi ăn cơm biết tự mang bát, ăn xong thì phải biết rửa bát cất đi. Đến giờ đi tắm cũng phải biết sửa soạn đồ của mình. Quần áo dày thì các chú Biên phòng giúp chứ những đồ nhẹ phải tự giặt. 2 cháu nhỏ, ai cũng thương, nhưng để 2 cháu sống tự lập, tự phục vụ bản thân sẽ tốt hơn.
Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Roòng giao cho Đội Vận động quần chúng phụ trách 2 cậu con nuôi Đinh Mắn và Đinh Văn, thế nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều coi đây là trách nhiệm của mình. Những lúc rảnh rỗi, Thiếu tá Nguyễn Đình Tam, trinh sát viên lại gọi Mắn và Văn đến gãi lưng hay nhổ tóc bạc cho ông. Nhìn 2 đứa nhỏ, Thiếu tá Nguyễn Đình Tam thương lắm, lại nhớ đến những đứa cháu mình ở nhà, một năm chỉ được gặp có mấy lần. Mắn và Văn thích lắm vì những lúc ấy “ông Tam” lại kể cho 2 anh em nghe chuyện miền xuôi. Rồi chú Hồ Quốc Thắng, nhân viên Đội Vận động quần chúng lại nhắc nhở học bài, đi ngủ đúng giờ. Ở đồn Biên phòng này, ai cũng là ruột thịt của 2 cậu học trò nhỏ.
Trúc Hà