Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 03/06/2023 08:16 GMT+7

Thắp lửa ước mơ cho học sinh nghèo vùng biên

Biên phòng - Nhiều năm nay, những người lính Biên phòng Nghệ An trích tiền lương của mình để hỗ trợ các em học sinh nghèo trên biên giới được đến trường học hành đầy đủ. Nghĩa cử cao đẹp của họ đã giúp thắp sáng những ước mơ của học trò vùng biên.

5a5325a022f7c7f803003afa
Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn tới thăm, động viên Và Bá Dũng. Ảnh: Bích Nguyên

Ra khỏi cổng đơn vị, Thượng úy Lầu Bá Tồng cùng đồng đội rẽ vào cửa hàng tạp hóa mua một túi đồ gồm quần áo, bánh kẹo... Anh quay sang tôi bảo phần quà này để tặng cho cháu Và Bá Dũng, học sinh lớp 8 được đơn vị đỡ đầu mấy năm qua. Nói rồi anh đưa chúng tôi vượt qua con đường khấp khểnh sỏi đá tới nhà Dũng. Ngôi nhà nằm trên đồi cao. Đứng ở giữa sân có thể phóng tầm mắt ngắm khoảng không bao la núi non trùng điệp phía trước. Một người phụ nữ Mông có gương mặt tròn, ẩn chứa nhiều suy tư chạy từ dưới bếp phía sau nhà ra đón chúng tôi.

Vào trong nhà, nghe Thượng úy Lầu Bá Tồng giới thiệu, chúng tôi mới biết, chị là Xồng Y Tòng, vợ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Và Tổng Khư. Anh Khư vốn là Trung đội trưởng Dân quân xã Nậm Càn. 12 năm trước, trong một lần đi truy quét phỉ, Và Tổng Khư cùng đồng đội, bao gồm cả lực lượng Biên phòng giáp mặt một toán phỉ. Anh đi đầu đội hình đánh phỉ nên đã hứng trọn loạt đạn của bọn chúng.

“Anh em trong đơn vị kể lại rằng, hồi đó, phỉ hoạt động rất manh động. Lực lượng vũ trang lúc đó gồm 2 tốp đi theo 2 hướng tiễu phỉ. Tốp anh Khư đi đến khe Phà Niệc, bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn thì gặp phỉ. Lúc đó, mọi người đang vượt dốc. Anh Khư đi trước và bị chúng bắn. Mọi người triển khai đội hình chiến đấu, sau đó đưa anh đi cấp cứu, nhưng không kịp. Hôm đó là ngày 31-8-2005” - Thượng úy Tồng kể.

Những “thước phim” về ngày bi thương ấy chầm chầm quay lại qua lời kể của những người lính Biên phòng, khiến chị Xồng Y Tòng không cầm được nước mắt. “Hôm đó, tôi nghe anh em báo mà không tin vào tai mình. Tôi ngất đi không biết gì nữa. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ về chồng mình” - Chị Tòng chia sẻ. Từ ngày anh Khư mất, những người lính Biên phòng Nậm Càn luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với mẹ con chị Tòng.

“Cán bộ Biên phòng luôn quan tâm, có việc chi cũng lên thăm, chia sẻ với mẹ con tôi. Từ năm thằng Dũng học lớp 1, các chú Biên phòng thường xuyên tặng quần áo, sách vở, đồ dùng và tiền mặt. Tôi dùng tiền các chú tặng mua thức ăn cho các con” - Chị Tồng cho biết.

Cậu bé Dũng ngồi nghe chuyện từ đầu đến giờ cúi mặt, lén lau nước mắt. Chúng tôi hỏi chuyện, Dũng bảo rất nhớ bố và thương mẹ. Từ nhỏ, Dũng đã ý thức được hoàn cảnh của mình nên không nghịch ngợm nhiều mà thường theo mẹ đi rẫy, giúp mẹ chăn trâu, bò. Dũng tâm sự: “Cháu thích học môn văn và toán. Sau này lớn lên, cháu muốn trở thành công an”.

Một trường hợp thương tâm nữa được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê, BĐBP Nghệ An cưu mang là cháu Lương Phi Yến. Liên tiếp những biến cố lớn xảy ra khiến cho cuộc đời của cô bé Lương Phi Yến, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, nhọc nhằn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần từ lúc còn ẵm ngửa. Khi Yến được 6 tháng tuổi, bố của em qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật ở tuổi 25.

Cũng trong năm đó, chị Quàng Thị Lan, mẹ của Yến vì bệnh tật cũng theo chồng về cõi vĩnh hằng. Yến cùng người anh 3 tuổi rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nỗi đau chưa dừng ở đó. Giữa lúc mất cha mẹ, anh em Yến lại phải chịu sự ghẻ lạnh của họ hàng nhà nội. Ngay đến bà nội cũng nhất quyết không nhận nuôi 2 anh em Yến.

Thương cảnh 2 cháu côi cút, tương lai u ám, bà ngoại của Yến đưa cả hai về nhà mình ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông để chăm sóc, nuôi nấng. Những ngày đầu, bé Yến khát sữa mẹ, quấy khóc suốt. Bà ngoại phải vất vả bế ẵm cả ngày, đi xin từng bữa sữa. Yến và anh trai của mình cứ thế lớn lên với bữa đói, bữa no trong sự cưu mang của bà ngoại và vợ chồng người cậu thuộc diện hộ nghèo. Bà ngoại và mợ của Yến chủ yếu ở nhà làm nương rẫy. Người cậu đi làm thuê, làm mướn nên thu nhập bấp bênh. Bởi gia cảnh quá khó khăn, đã có lúc việc học của Yến tưởng chừng phải dừng lại vì bà ngoại không lo nổi.

Năm 2014, qua bám nắm địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Châu Khê biết được hoàn cảnh của cô bé. Với trách nhiệm và lương tâm của người lính, họ đã không đứng ngoài cuộc. Đồn Biên phòng Châu Khê lập tức nhận đỡ đầu cô bé. Cán bộ, chiến sĩ của đồn trích một phần tiền lương của mình lo chi phí học tập cho Yến tới khi học hết lớp 12. Đồn Biên phòng Châu Khê còn cử một cán bộ chuyên trách giúp đỡ, theo sát việc học của Yến. Điều đáng quý là cô bé rất ham học. Trong 3 năm học vừa qua, Yến đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Năm 2016, Yến đạt giải Ba toàn huyện Con Cuông trong cuộc thi Olympic tổng hợp các môn học.

5a53283ff9ff192deb000b33
Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn tới thăm, động viên cháu Lương Phi Yến. Ảnh: Bích Nguyên

Không chỉ đỡ đầu học sinh Việt Nam, BĐBP Nghệ An còn nhận đỡ đầu các em học sinh nghèo sinh sống trên biên giới của nước bạn Lào. Thào May Xi là một trong số 20 học sinh Lào được BĐBP Nghệ An đỡ đầu từ mấy năm nay, vui vẻ cho biết: “Cháu được các chú bộ đội tặng quà, sách vở và dạy tiếng Việt. Cháu cảm ơn các chú đã giúp đỡ cháu”.

Mồ côi cha từ nhỏ, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai mẹ của cậu học trò Thào May Xi, bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phải lo ăn từng bữa khiến cho việc học của May Xi vì thế cũng bấp bênh, tưởng chừng có lúc phải bỏ giữa chừng để giúp gia đình làm nương, rẫy. Chia sẻ với khó khăn của cậu học trò này, từ mấy năm qua, BĐBP Nghệ An đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ em mỗi tháng 500.000 đồng. Nhờ sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng mà May Xi đã yên tâm học hành.

Dũng, Yến và Xi chỉ là 3 trong số 104 học sinh được BĐBP Nghệ An nhận đỡ đầu. Mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng mỗi tháng cho tới khi học hết lớp 12.  Số tiền này được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An. Chúng tôi được biết, ngoài hỗ trợ tiền hằng tháng, các đồn Biên phòng còn khảo sát nhu cầu của các em học sinh để tặng quà phù hợp, hỗ trợ các em sách vở, hướng dẫn học bài...

Xuân Hương - Hải Thượng

Bình luận

ZALO