Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Tháo nhanh điểm nghẽn lưu thông

Biên phòng - Sau nhiều ồn ào dư luận, thành phố Cần Thơ đã ra quy định mới, các phương tiện không yêu cầu “đăng ký trước” với Sở Công thương thành phố, nhưng vẫn phải trung chuyển, giao nhận hàng hóa theo hướng dẫn. Điều đáng nói, sự điều chỉnh này chỉ diễn ra sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê bình địa phương này để xảy ra tình trạng ô tô vận tải ùn ứ chờ làm thủ tục diễn ra nhiều ngày qua tại các điểm tập kết, khiến tài xế và doanh nghiệp bức xúc.

“Giấy phép con” làm cản trở các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Ảnh: Minh họa

Không riêng Cần Thơ, mà tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa thiết yếu đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố khác đang siết chặt các biện pháp chống dịch. Bộ GTVT đã chỉ ra các địa phương đang thực hiện “giấy phép con” làm cản trở các doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang yêu cầu test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực. Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong thời hạn tối đa 48 giờ. Tỉnh Bạc Liêu quy định các phương tiện vận tải phải có phương án vận chuyển hàng hóa theo mẫu của Sở GTVT và không cấp thêm giấy đi đường. Thậm chí, tỉnh Hải Dương còn đóng quốc lộ 38 không cho xe qua lại tỉnh Bắc Ninh do huyện Lương Tài đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ...

Trước sự “kêu cứu” của các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, Bộ GTVT đã phải họp khẩn, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, không tự ý ban hành thêm các quy định làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và tuyệt đối không để ùn tắc giao thông.

Thế nhưng, thành phố Cần Thơ khẳng định thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch và kiến nghị cho tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát vận tải như: Các phương tiện đến giao nhận hàng hóa tại thành phố phải tập trung tại các điểm tập kết, trung chuyển do chính quyền quy định; trường hợp hàng hóa không thể giao nhận tại các điểm tập kết thì phải đổi tài xế là người cư trú ở địa phương.

Nhiều doanh nghiệp, lái xe cho rằng, quy định trên không phù hợp với các văn bản Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã hướng dẫn về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, không thể trách các địa phương buộc phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vận tải hàng hóa trước áp lực dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang bộc lộ sự lúng túng, chưa đồng bộ, nhất là các biện pháp thái quá trong kiểm soát hoạt động vận tải khiến tắc nghẽn lưu thông hàng hóa thiết yếu, hàng loạt xe chở hàng nằm đường hoặc buộc phải quay đầu dù đáp ứng các quy định của Bộ GTVT.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gần như kiệt sức, bởi trong điều kiện tổ chức sản xuất giãn cách khó khăn còn phải chấp nhận gánh nặng chi phí phát sinh từ vận tải, lưu thông hàng hóa. Nếu thêm rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, thiết bị sản xuất thì toàn bộ chuỗi sản xuất đình trệ, kéo theo hàng loạt tác nhân trong chuỗi ngành hàng bị tổn thất nặng nề, như hàng vạn công nhân mất việc làm, nông dân không tiêu thụ được nông sản, doanh nghiệp xuất khẩu không thực hiện được đơn hàng theo cam kết...

Rõ ràng, nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay là việc tăng cường kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn dịch tễ phải đi đôi với cung ứng kịp thời nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng thiết yếu cho người dân.

Để tránh di chứng nặng nề cho nền kinh tế, các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp để bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi, với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO