Biên phòng - Hình thái du lịch thử thách mức độ thích ứng của bản thân ngày nay đang dần trở nên thịnh hành trong giới trẻ. Các tour du lịch leo núi trong thời tiết khắc nghiệt, băng qua rừng nhiệt đới hoang dã hay là thảo nguyên gai sắc khô cháy trở thành niềm ao ước của không ít người muốn khám phá thế giới xung quanh, khơi dậy bản năng sinh tồn của chính họ. Điều này lý giải vì sao Vườn quốc gia Núi Chúa, một khu vực rộng lớn, bỏng rát vì nắng gió, phủ đầy cây gai sắc nhọn lại đột nhiên phát triển du lịch trong vài năm trở lại đây.

Ninh Thuận là vùng đất có lượng mưa ít nhất trên đất nước ta. Có những năm, hầu như không có ngày mưa nào đáng kể và nắng cháy cộng thêm gió bạt chính diện từ biển thổi vào khiến không khí ở đây luôn khô rát. Vì vậy, Vườn quốc gia Núi Chúa nằm ở địa phận huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận là một khu rừng đặc biệt nhất trong số 33 vườn quốc gia của Việt Nam.
Có vị trí địa lý trải dọc 57km bờ biển, Vườn quốc gia Núi Chúa nằm trên nền đất xám bạc màu trơ sỏi đá, thực vật già cỗi, cằn khô đặc hữu. Hệ thống cây lớn biến đổi lá và cành thành gai nhọn để thích nghi với khí hậu gió nóng và chống mất nước nên nhìn trên bình diện rộng, núi Chúa gồm các thảm thực vật gai nhọn màu nâu xám, rất hiếm hoi màu xanh. Cùng với thời gian, đá cũng bị bào mòn và lăn xuống đất thấp. Sườn phía Đông của Vườn quốc gia Núi Chúa giáp với biển, hình thành một bãi đá lăn ngoạn mục. Đây chính là bãi rùa đẻ quy mô lớn nhất của Nam Trung bộ. Nơi hiếm có trên thế giới mà con người có thể chủ động tạo ra cái nôi sinh dưỡng nhiều loài rùa biển quý hiếm.
Với sức hấp dẫn từ thiên nhiên độc đáo như vậy, Vườn quốc gia Núi Chúa trở thành địa điểm du lịch lý thú đối với du khách. Một tour du lịch thông thường có thể đưa khách leo lên đỉnh núi Chúa, vượt qua vườn thực vật già nua tua tủa gai sắc nhọn. Có những khu vực đan dày bởi cây gai và địa hình hiểm trở, du khách chỉ có thể vượt qua bằng cách khéo léo lách qua những bụi gai mà không trượt ngã, nhận biết đá lăn để không bị trượt dốc xuống những bụi gai bên dưới. Bù lại, những người yêu thích thiên nhiên độc đáo sẽ tìm thấy ở đây bí mật của sự thích ứng kì diệu của cây cỏ trước thiên nhiên. ĐI hết khu rừng gai sẽ đến những cây lớn mà thời gian trôi qua, vì thiếu nước, chúng chỉ thấp nhỏ ngang ngực người đi.
Điều đặc biệt nữa là cây trên núi Chúa hoa nhỏ nhưng hạt tự nhiên rất đẹp. Những hạt này phụ nữ trong vùng thường khai thác để phơi khô, xâu thành chuỗi hạt trang sức bán cho du khách.
Nhưng nếu chỉ có thực vật độc đáo, chưa hẳn núi Chúa đã trở thành một điểm đến hút khách du lịch như thời gian qua. Sự bất ngờ nằm ở chỗ khi du khách đã quá vất vả, vật lộn trong nắng nóng và các vách núi trượt cát khô sang bờ dốc bên kia thì khu rừng già gai nhọn bỗng hiện ra các thác nước nhỏ mát lạnh len chảy giữa khe thung lũng.
Thời gian xói lở vách núi khiến thác nước nhỏ dần và có thể cạn kiệt vào mùa khô. Lúc đó, du khách có thể khám phá các loài động vật đã biến đổi để thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu đặc biệt này. Một trong những điều khách du lịch săn lùng là họ thường tìm kiếm thông tin mùa rùa biển đẻ ở Nam Trung bộ.
Nếu may mắn, du khách có thể chứng kiến những đêm cán bộ của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa và Trạm cứu hộ rùa tại bờ biển Ninh Hải đỡ đẻ cho rùa biển. Chính họ đã bảo tồn nhiều loài rùa trong sách đỏ, cứu sống một vùng rừng biển để hoang dã và khô cằn trong nhiều thập kỉ khi con người chưa có ý thức bảo tồn hình ảnh trong lành của đại dương.
Vào mùa rùa đẻ, đầu mùa hè hàng năm, các cá thể rùa bò lên bãi cát vào ban đêm. Chúng đào lỗ và đẻ trứng trong đó, vùi cát lên. Khi trứng nở ra những con rùa con thì đàn rùa con ngửi hơi nước biển và bò về phía biển. Khi để tự nhiên, rất nhiều rùa mẹ đã chết khi bò lên bãi cát, bị săn, bị lật lên bỏ mặc để chết. Ban đêm, cũng có thể rùa mẹ đẻ xong kiệt sức không bò lại biển được. Hố trứng rùa bị các con vật khác đào lên phá, hoặc người ta cũng nhặt mất trứng. Rùa con nở ra tỉ lệ trở lại đại dương rất ít vì quãng đường từ bãi cát trở về biển non nớt, bị săn đuổi bởi nhiều loài ăn thịt.
Cho đến nay, việc săn rùa biển gần như không còn nữa. Các cán bộ - bà đỡ rùa biển trông chừng để rùa mẹ đẻ trứng trên bãi cát, trông chừng đám trứng cho tới khi rùa con trở lại biển. Điều thú vị nhất ở Vườn quốc gia Núi Chúa là du khách có thể bắt gặp và tham gia đỡ đẻ cho rùa – chứng kiến sự sinh sản tự nhiên đặc biệt của rùa đại dương. Từ hình ảnh của thiên nhiên trong lành đó đã làm lan tỏa hơn ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng, ngày càng khiến tổ hợp rừng và biển ở đây thêm giàu có, cảnh quan đẹp và trong lành phục vụ cho du lịch, dịch vụ.
Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, du khách có thể tìm thấy điều ngọt ngào, thú vị nhất trong những giao tiếp như chạm, cầm, nắm giữa con người và thế giới tự nhiên – đó là thông điệp được gửi tới từ Vườn quốc gia Núi Chúa. Khi tiêu tốn sức lực để chinh phục đỉnh núi cao đầy gai sắc, thì ngay dưới chân núi, bãi biển xanh trong lành gần nhất với đại dương cũng hiện hữu.
Đây cũng chính là địa danh nằm trong chiến lược phát triển du lịch 5 năm tới của tỉnh Ninh Thuận bao gồm nhiều dự án cải tổ cảnh quan vịnh Vĩnh Hy liền kề, thảo nguyên trang trại nuôi cừu dê, vườn nho Ninh Thuận và hang Rái trong cùng một cung đường biển.
Thụy Văn