Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 04:48 GMT+7

Tháo nghẽn đầu tư công

Biên phòng - 1.050 dự án chưa thực sự cần thiết và kém hiệu quả bị cắt giảm là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: Internet

Theo đó, số dự án đầu tư công trong giai đoạn tới sẽ giảm từ 6.447 dự án xuống còn khoảng 5.397 dự án. Con số này giảm mạnh so với mốc 11.000 dự án của giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhiều địa phương loại bỏ hàng loạt dự án chưa cấp thiết như tỉnh Sơn La cắt giảm từ 498 dự án xuống còn 31 dự án.

Một điểm thay đổi đáng chú ý là tổng mức vốn ngân sách dự kiến 5 năm tới (khoảng 2,87 triệu tỷ đồng) không chỉ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ mà còn bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng. Trong đó, mức vốn bố trí bình quân đầu người vùng Tây Nguyên là cao nhất, khoảng 5,839 triệu đồng/người.

Đánh giá cao đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng những giải pháp trên sẽ chấm dứt những tồn tại, tiêu cực, hạn chế trong đầu tư công thời gian qua. Cụ thể là nhiều dự án đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, cộng với thủ tục rườm rà, không phân cấp mạnh, kỷ luật chưa nghiêm, cho nên giải ngân chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng, trong năm 2020, có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (1.074 dự án), do thủ tục đầu tư, do bố trí vốn không kịp thời, do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu.

Ngoài ra, có 3.342 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư; điều chỉnh tiến độ đầu tư; vốn đầu tư... Thậm chí, có 31.799 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng và 227 dự án trong số này bị đánh giá là có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.

Đáng lo ngại là con số trên mới phản ánh trên 47,3% tổng số dự án thực hiện báo cáo giám sát trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí đầu tư, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Còn các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Thế nên, chủ trương của Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh các dự án đầu tư dàn trải, kéo dài gây lãng phí để tập trung vốn cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, đồng thời quyết liệt chống tiêu cực và các hành vi “chạy” dự án.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, hiện tượng tăng giá đột biến vật liệu xây dựng, nhất là thép đang khiến nhiều dự án “đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng. Điều này dẫn đến hàng loạt dự án đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ đình trệ, chậm tiến độ.

Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực theo dõi, chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư, tiến độ, chất lượng, đảm bảo thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO