Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thảo luận báo cáo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ

Biên phòng - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, ngày 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (TK-CLP) năm 2017.

shzgvq7yl0-74770_14001243381317343309_Phung_Quoc_Hien
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo kết quả thực hành TK-CLP trong năm 2017, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành TK-CLP đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý, trong quản lý ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2017 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Quốc hội quyết định, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó 59/63 tỉnh, thành phố hoàn thành vượt dự toán thu nội địa.

Bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (bằng 3,42% GDP kế hoạch và 3,48% GDP thực hiện). Số tiền tiết kiệm kinh phí, tiền vốn Nhà nước năm 2017 của Bộ Quốc phòng hơn 1.400 tỷ đồng, Bộ Tài chính hơn 795 tỷ đồng, Bộ Y tế là 605 tỷ đồng, Bộ Công thương hơn 538 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước là 410 tỷ đồng, Bộ Thông tin - Truyền thông hơn 192 tỷ đồng…

Thảo luận báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng con số từ phụ lục báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, có tới 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước chưa gửi Chương trình cho Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành TK-CLP. "Với số lượng lớn đơn vị không có báo cáo về thực hành TK-CLP dẫn đến đánh giá trong báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?". - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị xem xét lại nghiêm túc vấn đề này. Ông cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ "chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ ngành, địa phương nào. Đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này để Chính phủ quan tâm chỉ đạo và có hướng xử lý”.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình thực hành TK-CLP để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc thực hành TK-CLP có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, việc tránh gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài sản công, sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức chấp hành của một số vụ chưa cao, việc xử lý một số vụ việc chưa kịp thời, nghiêm túc... Vì vậy, cần làm rõ hơn trách nhiệm để công tác thực hành TK-CLP có bước tiến mới trong thời gian tới.

Danh Anh

Bình luận

ZALO