Biên phòng - Để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, các doanh nghiệp (DN) đang rất phấn khởi, mong mỏi được nhận hỗ trợ. Những gói chính sách hỗ trợ mà Chính phủ ban hành nhằm giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế.

Gia hạn nộp thuế - Trợ lực giúp các doanh nghiệp vượt khó
Theo đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới tác động đến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nêu quan điểm, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022, nguồn cung bị gián đoạn kéo dài, kéo theo tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong năm 2023.
Trước tình hình này, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều nội dung của chương trình, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho DN, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất... nhằm giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá rất cao.
Đặc biệt, chính sách gia hạn thuế được ban hành từ ngày 28/5 sẽ là trợ lực lớn cho DN vượt qua khó khăn. Tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 125.000 tỷ đồng. Sau thời gian ngắn triển khai Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến, phản hồi tích cực từ cộng đồng.
Đây cũng là lần thứ 4, cộng đồng DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp giảm áp lực thanh toán cho DN; nhất là trong bối cảnh, bất kỳ đơn vị nào cũng đang cần tối ưu nguồn lực để vực dậy DN hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định sau giai đoạn khó khăn và đầy thách thức của đại dịch Covid-19.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính): Việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ sớm có những tác động trực tiếp đến DN và hộ kinh doanh. “Giải pháp hỗ trợ kịp thời nhất là hỗ trợ nộp thuế cho các DN. Vì các biện pháp như lãi suất ưu đãi, chi ngân sách sẽ phát sinh thời gian xác minh đối tượng, lựa chọn đối tượng, các thủ tục hành chính để giải ngân... nên thường có độ trễ nhất định” - Tiến sĩ Lý Phương Duyên cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thiên, Giám đốc Công ty TNHH May Thiên Oanh cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế thêm lần nữa đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn của Chính phủ với DN và người dân. Thay vì việc phải xoay xở mọi cách để có nguồn tài chính nộp thuế đúng hạn như mọi năm, các DN đã bớt căng thẳng hơn nhờ được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Giải quyết linh hoạt chính sách tiền tệ
Bên cạnh việc gia hạn thuế, có nhiều chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế-xã hội, nên Việt Nam cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế.
Chính sách tiền tệ, quản lý giá cần có sự đồng bộ, điều chỉnh linh hoạt với những biến động của thị trường. Về phía ngành ngân hàng cũng cần có giải pháp hiệu quả hơn để giảm rủi ro khi cho vay, giảm tối đa nợ xấu; tăng cường trích lập quỹ phòng chống rủi ro cho các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường vốn, trái phiếu...
Theo ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội. Việt Nam cần tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, có chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng với những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, Việt Nam cần thực hiện tốt Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như các nghị quyết khác. “Quốc hội cũng cần có chính sách giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả” - ông Lực nhận định.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã tập trung bàn các giải pháp cơ chế, chính sách để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thành công.
Đại biểu Nguyễn Đình Việt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới những khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn vay; giá xăng dầu, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro thiếu hụt nguồn cung đầu vào... Chính phủ cần quan tâm theo dõi, dự báo, điều hành ngân sách Nhà nước, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế-xã hội, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, dự báo kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi chậm lại. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, dịch bệnh Covid-19, việc điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, ứng phó với các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hy vọng, với những giải pháp thiết thực sẽ giúp các DN, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi, tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Minh Anh