Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Tháo gỡ “nút thắt” để đón nhiều du khách quốc tế

Biên phòng - Sau dịch Covid-19, cả Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp liên tục đưa ra những giải pháp, chương trình, thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Thị hiếu, thị trường đã thay đổi, đòi hỏi Chính phủ cần có biện pháp tháo gỡ “nút thắt” để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.

Khách du lịch quốc tế thích lặn biển ở vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

“Các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần phải xác định rõ có hai phân khúc khách quốc tế đến Việt Nam. Thứ nhất, khách trung lưu trở lên, thích tìm hiểu văn hóa vùng miền, nghiên cứu thiên nhiên..., có hướng dẫn viên sở tại đi theo phục vụ. Thứ hai, khách đi tự do, dân ta quen gọi “Tây ba lô”, không đi theo đoàn lớn, chỉ đi nhóm nhỏ, khả năng tự khám phá cao, sử dụng dịch vụ giá rẻ, số ngày lưu trú dài. Hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là chỉ cấp visa cho khách du lịch 15 ngày lưu trú. Trong khi đó, Thái Lan, Philippines cấp visa lên đến 3 tháng, khách du lịch quốc tế đang đến những nước này rất đông” - ông Đăng Văn Hóa, Giám đốc Công ty Hana Travel, tỉnh Khánh Hòa thẳng thắn đưa ra vấn đề thực tế.

Hiểu tâm lý du khách

Số lượng khách “Tây ba lô” khá đông, họ thường đến Việt Nam bằng máy bay thương mại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. “Khách đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), họ sẽ đi thăm Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa, rồi vào tham quan tiếp “con đường di sản” như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)... Họ vào Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, có thể đi tiếp sang Campuchia. Visa của Việt Nam chỉ cho ở lại 15 ngày, khó đáp ứng nhu cầu của họ” - ông Hóa chỉ ra cụ thể.

Thời gian vừa qua, thị trường du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ đang vắng bóng khách Trung Quốc, vì nước này đang thực hiện chính sách “Zero Covid”. Khách Nga cũng không qua Việt Nam bằng những chuyến bay lớn đáp thẳng xuống sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Trung tâm du lịch Nha Trang chỉ đón khách Hàn Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ... Thị hiếu mỗi dòng khách khác nhau, chi tiêu cũng tùy theo thu nhập của quốc gia họ. Ông Hóa nhận định: “Khách Tây ở xứ lạnh, họ sang Việt Nam tìm đến những vùng nắng nóng, có bãi biển đẹp, vừa tắm biển, vừa phơi nắng. Các địa phương cao nguyên của nước ta có thời tiết lạnh, mà cứ bày biện đủ các chương trình để đón khách Tây nên thu tiền sẽ rất khó”.

Đặc tính du khách Hàn Quốc đi du lịch để hưởng thụ, nên tất cả các cơ sở du lịch phải được hoàn thiện chuyên nghiệp. “Dân Hàn Quốc luôn đề cao tính dân tộc, sang Nha Trang du lịch, công ty dịch vụ đưa xe ô tô Nhật Bản, Đức sản xuất đến, họ không chịu đi, chỉ chấp nhận đi xe của Hàn Quốc. Họ đồng ý chi trả cao để được phục vụ giống như “ông chủ”: Ở khách sạn 5 sao, spa thoải mái, nhà hàng ăn uống cao cấp, di chuyển trên xe ô tô cũng mang phong cách hưởng thụ. Một số tỉnh đã liên kết với Khánh Hòa để đưa khách Hàn Quốc đến, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, khách từ chối ngay” - ông Hóa thông tin.

Kỳ vọng “bùng nổ” thị trường

“Mới đầu tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chủ trương cho công dân của 2 tỉnh được phép đi du lịch nước ngoài, thông qua một công ty du lịch trong nước. Cơ hội cho du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng sẽ sớm đón khách Trung Quốc quay trở lại” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thông tin tại Hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên”, ngày 12/10/2022.

Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi Vinpearl trên đảo Hòn Tre, Nha Trang thu hút nhiều khách quốc tế đến nghỉ dưỡng. Ảnh: Hải Luận

Năm 2019, du lịch tỉnh Khánh Hòa đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 27.000 tỷ đồng. Sau dịch Covid-19, địa phương này đang làm mọi biện pháp tăng nguồn khách du lịch quốc tế quay trở lại vùng biển, đảo Khánh Hòa. Ngày 13/10, tại Kazakhstan, trước sự chứng kiến của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hãng hàng không VietJet ký thỏa thuận mở đường bay trực tiếp từ Thủ đô của Kazakhstan với sân bay quốc tế Cam Ranh.

Thời gian vừa qua, tỉnh Khánh Hòa nhiều lần bàn thảo trực tiếp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch Việt Nam và Ấn Độ. Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tháng trước, đoàn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sang Ấn Độ làm việc với nhiều doanh nghiệp du lịch, qua đó, đã thống nhất phương án đưa khách du lịch của Ấn Độ sang Khánh Hòa. Ngày 27/10/2022, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ sẽ chủ trì cuộc họp để gút lại một số vấn đề như: Hàng không, hướng dẫn viên, kiểu ăn uống, tín ngưỡng của người dân Ấn Độ khi đến Khánh Hòa. Ấn Độ là quốc gia có 1,3 tỷ dân và Trung Quốc là 1,4 tỷ dân, hai thị trường này hứa hẹn sẽ bùng nổ lượng khách du lịch đến Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ”.

Tổ hợp du lịch Vinpearl Nha Trang từng đón những đoàn khách của giới nhà giàu Ấn Độ sang nghỉ dưỡng, tổ chức đám cưới, dưỡng lão, chi tiêu khá cao so với du khách của một số nước.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp lữ hành du lịch ở miền Trung nước ta đều đưa ra nhận định, sau cơn địa chấn toàn cầu củadịch Covid-19, doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã thay đổi phương thức hoạt động, thị hiếu và tâm lý du khách các nước cũng có phần khác trước.

“Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc chỉ có nhiệm vụ gom khách ở Hàn Quốc, sau đó chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ trọn gói. Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc trực tiếp đặt khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… tại Việt Nam. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chỉ “ngắt” được một chút dịch vụ xe, tàu vận chuyển du khách” - ông Hóa giãi bày.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dự báo, các thị trường du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trở lại ở nước ta. Còn thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Tây Âu, Mỹ… trong mùa đông này sẽ khai thác tốt.

“Câu chuyện Việt Nam chỉ cấp visa với khách du lịch nhập cảnh 15 ngày, chúng tôi đã gửi kiến nghị đến Bộ Ngoại giao. Đầu tháng 11 năm nay, sẽ tổ chức hội nghị du lịch toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, chắc chắn Thủ tướng sẽ lắng nghe ý kiến từ chính quyền các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước. Thủ tướng có thể sẽ cân nhắc quyết định thời hạn visa nhập cảnh cho khách du lịch nhiều ngày hơn để tạo thu hút khách đến Việt Nam nhiều hơn” - ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ.

Hải Luận

Bình luận

ZALO