Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Biên phòng - Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tại diễn đàn. Ảnh: Văn Hiếu

“Gần đây, các doanh nghiệp 2 nước đã tập trung ở cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tìm bạn hàng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu (XK) nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam chia sẻ tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/3.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.

Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoàng Nam đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Cùng với đó, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký XK thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm nông thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, lượng hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm thủy sản Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. Riêng năm 2021 lượng hàng nông sản, thủy sản XK đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, tăng 157% so cùng kỳ năm 2020.

Theo bà Ngọc, để thúc đẩy XK nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập";

Đồng thời, tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển XK.

Đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn. Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong XK vào thị trường Trung Quốc. Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, đăng ký XK sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Tuy nhiên, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.

Để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy XK nông lâm, thủy sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước giao thương.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo thành phố Móng Cái phối hợp với các đơn vị bên phía Quảng Tây để tổ chức Diễn đàn xúc tiến thương mại ở thành phố Đông Hưng trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, XK nông sản 2 nước.

Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu XK nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ NN&PTNT làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng 2 nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO