Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Tháo gỡ áp lực cho thủy sản

Biên phòng - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2021, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.

Dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ năm 2020, vì 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long dừng hoạt động, công suất chế biến thủy sản cả vùng giảm trên 60%.

Thực trạng đáng lo ngại trên đã được chuyên gia cảnh báo từ cuối tháng 7-2021 khi có tới 50% doanh nghiệp ngành cá tra tại một số địa phương vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phải đóng cửa. Khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí nhân công, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn...

Tương tự, chuỗi sản xuất tôm khó khăn từ đầu vào vật tư, con giống cho đến nhà máy chế biến. Đơn cử như tỉnh Cà Mau có 30 doanh nghiệp và 38 nhà máy chế biến tôm, với sản lượng 200.000 tấn/năm. Khi thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến", dù được hỗ trợ nhưng cũng chỉ chưa đầy 50% doanh nghiệp, nhà máy đáp ứng được yêu cầu để sản xuất, số còn lại phải ngưng hoạt động.

Trong khi nguồn cung thủy sản cho xuất khẩu dồi dào nhưng nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua nguyên liệu, giá thủy sản giảm làm người nuôi trồng thủy sản bị thua lỗ nặng nề. Hệ quả là diện tích thâm canh tôm, cá đang giảm mạnh tại nhiều địa phương.

VASEP quan ngại, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay, số doanh nghiệp còn lại cần thời gian dài để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, nhiều doanh nghiệp khó quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19; lượng công nhân đi làm cũng chỉ đảm bảo khoảng 40% đã được tiêm vaccine...

Điều này đồng nghĩa với công suất chế biến bị giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp vừa không có hàng trả đơn, vừa không thu mua được nguyên liệu cho ngư dân và nông dân. Theo nhiều doanh nghiệp, sau khi có tới 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và 15% đơn hàng bị hủy trong tháng 8, nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn tìm nguồn cung thay thế, nên khả năng lấy được các đơn hàng dịp cuối năm rất hạn chế.

Các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản bị khan hiếm, khó tiếp cận cũng do mỗi địa phương lại có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20 - 30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 20% trong những tháng cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, thủy sản chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 8,6 triệu tấn thủy sản của cả năm 2021, các doanh nghiệp phải đạt sản lượng 2,9 triệu tấn thủy sản trong 3 tháng cuối năm.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cấp thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt là các chính sách giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ... để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thu mua nông sản.

Trước mắt, mở lại các chợ đầu mối ở các thành phố lớn để thúc đẩy tiêu thụ, tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân có động lực trở lại sản xuất; nới lỏng giãn cách tại 25 cảng phía Nam, tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản.

Ngành Công thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản...

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO