Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Thành tựu và áp lực

Biên phòng - Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, thành tựu điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được. Tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Như vậy, trong vòng 25 năm, đã có thêm hơn 14 triệu gia đình hay 60 triệu người dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

evn4-sluk
Điện đã về thắp sáng khắp thôn, bản hẻo lánh xa xôi của các vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới. Ảnh minh họa: EVNNPT

Thực tế, đến thời điểm này, mục tiêu thắp sáng mọi miền Tổ quốc đã thành hiện thực khi 100% số xã trong toàn quốc có điện, số hộ dân có điện đạt hơn 99,47%, trong đó có 99,18% số hộ nông dân có điện. Thành tựu này càng đáng được ghi nhận trong điều kiện đất nước đang phát triển và ngành điện phải đối diện rất nhiều rào cản về công nghệ, nguồn vốn, trình độ quản lý.

Qua 10 năm thực hiện chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, điện đã về thắp sáng khắp thôn, bản hẻo lánh xa xôi của các vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới, biển đảo xa xôi của đất nước. Ðặc biệt, điện lưới đã vượt sóng ra 11 trong tổng số 12 huyện đảo của Tổ quốc và 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện.

Quan trọng hơn, dòng điện đã mang theo ánh sáng văn hóa, giải phóng sức lao động, đánh thức tiềm năng của các địa phương, tạo bước chuyển thật sự trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.

Có thể khẳng định, quá trình điện khí hóa nông thôn tại Việt Nam là một thành quả “thần kỳ” dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và những nỗ lực không mệt mỏi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc thực hiện sứ mệnh của mình.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. EVN thừa nhận, thực trạng thiếu hụt nguồn điện không còn là điều quá xa vời. Cụ thể, năm 2021 lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh; năm 2022: 10 tỷ kWh; năm 2023: 12 tỷ kWh.

Theo các chuyên gia, nếu giai đoạn 2015-2017, hệ thống điện có dự phòng khoảng 20-30% công suất, nhưng đến năm 2018-2019 không còn dự phòng và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng điện do nhiều dự án nguồn chậm tiến độ (khoảng 17.000 MW công suất). Trong năm 2020, hệ thống điện cần phải huy động sản lượng khoảng 5,2 tỷ kWh từ nhiệt điện. Nhưng trước tình hình cung cấp than, khí cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng, nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 là rất cao.

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt, EVN đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện; tăng cường mua điện từ Trung Quốc, Lào; nhập khẩu nhiên liệu (than, khí); bổ sung một số nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời, góp phần giảm áp lực nguồn cung...

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ và lâu dài là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hiện, hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam được xếp vào nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Cụ thể, để làm ra 1 đơn vị GDP, Việt Nam cần từ 1,6 - 1,8 đơn vị điện, trong khi các nước phát triển tạo ra được 1 đơn vị GDP chỉ cần 1 và dưới 1 đơn vị điện.

Do vậy, việc vận hành hợp lý và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện rất cần các chính sách, cơ chế đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, trong đó tập trung vào đối tượng sử dụng điện nhiều, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Thiết nghĩ, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của mỗi người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO