Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Thành quả thực hiện phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia

Biên phòng - Sau hơn 13 năm thực hiện phân giới, cắm mốc (PGCM) biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, hai nước đã ký các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả PGCM. Việc có một đường biên giới được phân định, đánh dấu rõ ràng trên thực địa, được ghi nhận bằng văn kiện pháp lý quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

jrdl_6a
Đội Phân giới cắm mốc tỉnh An Giang và Đội phân giới cắm mốc tỉnh Tà Keo, Campuchia bảo dưỡng và gia cố cột mốc, tại mốc 285/1, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Chiến Khu 

Đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia dài khoảng 1.137km, điểm khởi đầu từ giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), điểm cuối ở Xà Xía, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) tiếp giáp tỉnh Kampot (Campuchia). Địa hình tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chia làm hai khu vực, từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Bình Phước phần lớn rừng rậm, núi cao; từ tỉnh Tây Ninh đến tỉnh Kiên Giang là đồng bằng với nhiều kênh mương, rạch chia cắt; giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PGCM. 

Đối diện khu vực biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia là 81 xã biên giới thuộc 28 huyện của 9 tỉnh biên giới Campuchia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ với Campuchia, chủ trương sớm hoàn thành công tác PGCM để cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững; lãnh đạo cấp cao hai nước luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công tác PGCM. Từ tháng 2-2019 đến nay, bạn tích cực tổ chức triển khai để hai bên có thể sớm đạt được mục tiêu pháp lý hóa 84% thành quả PGCM; thống nhất phối hợp tổ chức các cuộc họp với tần suất và tinh thần hợp tác cao tại các cuộc làm việc. Từ năm 2006 đến nay, quan hệ Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, nhất trí phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PGCM Bộ Quốc phòng) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Quốc phòng thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo PGCM Bộ Quốc phòng, xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh cử lực lượng, phương tiện tham gia PGCM. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ cho quá trình PGCM trên thực địa  được tiến hành hết sức chặt chẽ, hiệu quả, thúc đẩy tiến trình PGCM theo kế hoạch; tổ chức tập huấn cho các đơn vị và các bảo đảm khác đồng bộ phục vụ cho PGCM.

Hoạt động đối ngoại Quốc phòng, đối ngoại Biên phòng, ngoại giao nhân dân được đẩy mạnh, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, qua đó đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Đảng, chính quyền và nhân dân hai nước; góp phần tích cực vào công tác PGCM của hai bên. Cán bộ, chiến sĩ tham gia các Đội PGCM, đồn Biên phòng, đơn vị rà phá bom mìn, vật cản cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, quan hệ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ biên giới, Đội PGCM của Campuchia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng bảo vệ biên giới hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, duy trì công tác phối hợp tuần tra chung bảo vệ đường biên, mốc giới và thực hiện nghiêm Hiệp định về quy chế biên giới 1983, Thông cáo báo chí 1995.

Bên cạnh đó, xác định quá trình PGCM biên giới phải gắn liền với bảo vệ biên giới, BĐBP đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực biên giới, nâng cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc PGCM để tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn biên giới và các lực lượng tham gia PGCM. 

Sau 13 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể công tác PGCM  xác định và xây dựng được 317/371 mốc chính (đạt 85,4%); xây dựng được 315/371 mốc chính (đạt 84,90%); phân giới được khoảng 1.042/1.137km (đạt 91,60%); xây dựng được 1.511/1.512 mốc phụ (đạt 99,93%) và 221/221 cọc dấu (đạt 100%); hoàn thành 1.738 bảng đăng ký mốc giới (227 cột mốc chính và 1.511 cột mốc phụ), 1.826 bảng tọa độ và độ cao mốc giới (315 cột mốc chính và 1.511 cột mốc phụ)...

Đồng thời, BĐBP các tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, tổ chức tuyên truyền được hàng ngàn buổi cho hàng chục ngàn lượt người nghe về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng công tác PGCM biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngoài ra, BĐBP các tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết các kế hoạch phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, báo địa phương mở các chuyên trang tuyên truyền về công tác PGCM; nhất là công tác tuyên truyền đặc biệt cho nhân dân khu vực biên giới hai bên; kết nghĩa được 38 cặp cụm dân cư hai bên biên giới và 23 cặp đồn Biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của chính quyền, nhân dân và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai bên...

Mai Hoàng

Bình luận

ZALO